Nhớ Xuân Mậu Thân cách đây 50 năm: Lời hiệu triệu vang dậy non sông

Bùi Thanh Sơn/HNMO| 14/02/2018 23:07

Cuối thập kỷ sáu mươi của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta diễn ra rất quyết liệt. Trước những khó khăn và thách thức đó, những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang tính chỉ đạo và dự báo về chiến lược, nhằm củng cố vững chắc lòng tin mà còn là lời hiệu triệu vang dậy non sông, cổ vũ và động viên quân dân cả nước kiên cường chiến đấu: Sáng tạo tìm ra nhiều cách đánh, đánh thắng kẻ thù, Bắc - Nam sum họp một nhà, thống nhất đất nước.

Nhớ Xuân Mậu Thân cách đây 50 năm: Lời hiệu triệu vang dậy non sông
Nữ tự vệ sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Xâm lược miền Nam, nhiều chiến lược chiến tranh kiểu mới của Mỹ bị đánh bại. Với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ quyết định đẩy chiến tranh lên mức cao nhất, tiến hành "Chiến tranh cục bộ”: Trực tiếp đưa quân Mỹ cùng quân một số nước chư hầu vào miền Nam tham chiến; leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, nhằm hạn chế sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên chiến trường, dựa vào ưu thế vượt trội về vũ khí, Mỹ tiến hành chiến lược “tìm diệt”. Chúng liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công quy mô lớn, để tiêu diệt lực lượng chủ lực ta, nhằm “đánh gãy xương sống Việt Cộng”, giành thắng lợi.

Với truyền thống đánh giặc kiên cường, bất khuất, quân và dân miền Nam đã sáng tạo tìm ra nhiều cách đánh, đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu khi chúng vừa đặt chân vào chiến trường. Ta đã tiến lên mở nhiều chiến dịch phản công và tiến công, đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng từng lữ đoàn quân Mỹ, trung và chiến đoàn quân ngụy; buộc kẻ thù phải lùi về “quyết giữ” để bảo vệ vùng đô thị, chờ tăng quân chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược lần thứ ba, vào cuối năm 1967 đầu năm 1968. Địch mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, với quy mô ngày càng lớn, cường độ ngày càng cao, thì thất bại ngày càng nặng nề.

Nhận rõ sự bị động và lúng túng của kẻ thù, nắm thời cơ, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 đã đánh giá tình hình và quyết định: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Phương pháp đấu tranh là: Tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Quyết định đúng đắn, sáng suốt và kịp thời của Đảng, đã tạo ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta bước vào chuẩn bị cho cuộc tiến công mới. Tổng Quân ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến: Tiến hành nghi binh và tạo thế để kéo giữ chủ lực địch ra chiến trường rừng núi. Tập trung sức mạnh, bất ngờ đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu, nằm sâu bên trong hậu phương quân địch ở vùng đô thị. Ở hậu phương lớn, hàng chục nghìn quân và hàng vạn tấn vật chất được chuyển vào chi viện cho chiến trường. Trên tiền tuyến lớn, quân và dân ta vừa đẩy mạnh đánh địch, vừa bí mật đưa lực lượng vào áp sát các thành phố và thị xã. Lực lượng chính trị đã bí mật luồn sâu vào các đô thị, tuyên truyền và vận động nhân dân sẵn sàng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền. Hòa trong không khí chuẩn bị đón Xuân, các tầng lớp nhân dân đã tận dụng nhiều loại phương tiện vận chuyển hàng hóa dịp Tết, khéo ngụy trang để che mắt địch, bí mật đưa vũ khí vào ém sẵn ở các cơ sở bên trong thành phố. Sự chủ động và sáng tạo trong chỉ đạo, đã tạo ra điều kiện thuận lợi để ta chuẩn bị chu đáo cả về vật chất cũng như tinh thần. Đây là nhân tố quan trọng làm tăng sức mạnh để quân và dân toàn miền vững vàng, tự tin bước vào chiến đấu.

Theo kế hoạch tác chiến, đúng Giao thừa trên làn sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, truyền đi lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới quân và dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài sẽ là hiệu lệnh mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trong thư chúc mừng năm mới, Bác chỉ rõ âm mưu xâm lược và tội ác của kẻ thù; khẳng định rõ sức mạnh đoàn kết và vai trò to lớn của từng miền, thắng lợi vĩ đại mà quân và dân ta đã đạt được. Đồng thời, Bác còn dự báo, chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy sẽ còn to lớn hơn. Trong thư với những vần thơ, Bác viết:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”


Lời chúc mừng năm mới của Bác vừa là lời cổ vũ và động viên, vừa là mệnh lệnh tiến công. Đồng thời, đây còn là lời hiệu triệu vang dậy non sông, kêu gọi quân và dân cả nước ra sức thi đua giết giặc lập công, anh dũng chiến đấu, tiến lên đánh thắng kẻ thù, giành thắng lợi.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, quân dân miền Nam đã bất ngờ mở cuộc tiến công, đồng loạt đánh vào tất cả các thành phố và thị xã trên toàn miền. Nhiều cơ quan đầu não của kẻ thù đã bị đánh phá, như: Dinh Độc lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy... Lực lượng quần chúng cũng anh dũng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền. Choáng váng trước đòn tiến công dũng mãnh của quân và dân ta ở cả hai miền, đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, từ Vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris và tuyên bố từng bước rút quân Mỹ về nước.

Thắng lợi đó càng cho thấy rõ, lời hiệu triệu vang dậy núi sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên tinh thần, truyền thêm sức mạnh để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù, để cả dân tộc ta được sum họp một nhà, cùng vui mừng đón chào năm mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Xuân Mậu Thân cách đây 50 năm: Lời hiệu triệu vang dậy non sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO