Cần có những giải pháp tối ưu, để học sinh không còn phải đeo những chiếc cặp sách quá nặng. |
Còng lưng “cõng”... cặp sách
Mới học lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng cặp sách của bé Minh Khuê không hôm nào dưới 10 quyển sách, vở, với cân nặng trung bình khoảng 3,5-4kg, trong khi bé chỉ nặng 25kg. Khi được hỏi, bé trả lời thời gian đầu đeo cặp thấy rất nặng, nhưng cố gắng mãi thành quen.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, số cân nặng cặp sách của học sinh không được vượt quá 1/10 trọng lượng cơ thể các em. Cụ thể, học sinh lớp 1-2 thì trọng lượng cặp nặng 1,5kg; lớp 3-5 cặp nặng 2kg; lớp 6-7 cặp nặng 4kg; lớp 8-10 cặp nặng 5kg.
Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết cặp học sinh tiểu học và trung học cơ sở đeo trên vai đến trường hằng ngày cân nặng 3-5kg. Nguyên nhân chiếc cặp quá tải khiến học sinh còng lưng "cõng" là do sách vở quá nhiều, mỗi môn hai đến ba quyển sách và vở, ngày học 5 tiết cộng lại thành 10-15 quyển, trọng lượng khoảng gần 2kg. Ngoài ra còn hộp bút, hộp màu, bộ đất nặn thủ công 1kg; chiếc cặp nặng trung bình 1kg. Như vậy cộng lại thành 4kg. Chưa kể nhiều học sinh mang theo cả bình nước, đồ ăn, đồ chơi, nâng trọng lượng chiếc cặp thành 5kg.
Trong khi đó, trọng lượng học sinh tiểu học (lớp 1-5) trung bình 20-30kg, trung học cơ sở khoảng 30-45kg. Như vậy, đối chiếu với con số khuyến cáo của các chuyên gia, chiếc cặp học sinh vượt xa mức chuẩn bảo đảm an toàn sức khỏe các em. Hiện học sinh ở khu vực nông thôn không học bán trú nên đỡ phải mang cặp nặng do ít sách và đồ dùng học tập hơn.
Bà Phan Thị Hoa, nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học thị trấn Tây Đằng A (huyện Ba Vì) cho biết, tại trường này cũng như nhiều trường trong khu vực đều không học bán trú như ở nội thành. Về tác hại đối với học sinh do phải “cõng” cặp nặng, bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho rằng có thể gây ra cong vẹo cột sống và ảnh hưởng đến tim mạch. Giáo sư Trần Ngọc Ân, nguyên Trưởng khoa Xương khớp Bệnh viện E nhận định: Cặp sách nặng tới 5kg dễ dẫn đến bị gù lưng, ảnh hưởng hình thể và sự phát triển khung xương và cong vẹo cột sống của trẻ.
Giải pháp nào?
Nhắc đến hậu quả của việc đeo cặp quá nặng, nhiều người còn nhớ vụ việc một em học sinh tiểu học ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh bị gãy xương vì đeo cặp nặng. Theo lời bệnh nhân, trên đường đi bộ từ trường về nhà (khoảng 2km) em cảm thấy đau nhiều ở vai trái. Sáng hôm sau ngủ dậy, thấy vai em bị sưng to, gia đình đưa đi khám. Bác sĩ đã cho chụp x-quang vai và cột sống, kết quả ghi nhận bệnh nhân bị gãy di lệch xương đòn trái, cột sống bị vẹo và gù nhẹ. Hôm đi học về bị đau vai, trong cặp của em này có bốn quyển vở 200 trang, năm quyển sách giáo khoa, một hộp bút, một bảng đen, một bình nước 250ml, một áo khoác. Gia đình đã cân thử thấy cả cặp sách và các đồ dùng mang theo nặng 4,5kg.
Trong một điều tra đối với học sinh tiểu học về vấn đề mang cặp sách đến trường, Phó Giáo sư Dương Xuân Đạm, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, thuộc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, có tới gần 20% trẻ bị lệch, vẹo cột sống, được cho là do mang cặp quá nặng.
Vẫn còn tình trạng nhiều học sinh phải đeo cặp quá nặng khi tới trường. |
Để khắc phục tình trạng học sinh phải đeo cặp nặng đến trường, nhiều phụ huynh kiến nghị giảm tải thời khóa biểu hoặc sắp xếp ngày học chuyên 2 hoặc 3 môn thay vì 5 môn như hiện nay, vì mỗi môn ít nhất 3 quyển sách, vở. Bên cạnh đó, đề nghị các trường nghiên cứu trang bị tủ để đồ cá nhân cho học sinh gửi lại bớt sách vở ở trường.
Theo chị Lê Thị Thúy, phụ huynh học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, việc chị thường xuyên cùng con soạn sách vở theo thời khóa biểu hằng ngày, giúp giảm tải chiếc cặp mức tối thiểu. Ngoài ra phụ huynh có thể mua cặp có tay kéo để con không phải đeo cặp...
Bác sĩ Đào Việt Dũng, chuyên khoa Cơ xương khớp từng công tác tại Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Đại học Y, nay công tác tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thiên Ý Pharma (quận Ba Đình) cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là cha mẹ kiểm soát, không để con mang theo đồ chơi, thức ăn, nước uống; không để con đeo cặp nặng trên lưng kéo dài; dạy con tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày với các động tác tốt cho cơ xương khớp, nhất là xương sống, để tạo độ mềm dẻo, không dễ bị tổn thương.
Nguyên nhân và hệ lụy, nguy cơ đã thấy rõ, thiết nghĩ các bậc phụ huynh, thầy cô, các chuyên gia, nhà chức trách ngành Giáo dục sớm có giải pháp tối ưu, để vấn đề cặp sách quá nặng không còn đè nặng lên đôi vai của học sinh.