6 tuần sau khi gửi lá đơn tố cáo được công bố hôm 26/9, cả ông Trump lẫn người đứng đầu ngành tình báo đều chưa biết tên và công việc của tác giả lá đơn. Phe Dân chủ dù lấy đó làm cơ sở mở cuộc điều tra luận tội nhà lãnh đạo Mỹ cũng không biết gì mấy về người bí ẩn.
Báo Mỹ New York Times hôm qua nói rằng người đó làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và từng được làm việc một thời gian trong Nhà Trắng.
Đơn tố cáo không khác gì quả bom của người này cáo buộc ông Trump lạm dụng vị trí để gây sức ép lên Tổng thống Ukraine phải điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, người đang có triển vọng sẽ trở thành gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ để cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực khi tìm kiếm sự giúp đỡ của nước ngoài cho bầu cử Mỹ, 2 năm sau vụ ầm ĩ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 để hỗ trợ cho ông Trump đắc cử.
New York times nói rằng người tố cáo là thành viên của cộng đồng tình báo rộng lớn của Mỹ, với tổng số 16 cơ quan khác nhau và sử dụng tới 100.000 người.
Nhưng có gợi ý là người đó là một nhà phân tích có trình độ, có hiểu biết sâu về chính trị Đông Âu và liên lạc thường xuyên với Nhà Trắng.
Người đó đã thuê luật sư Andrew Bakaj, một chuyên gia về an ninh quốc gia và luật tố cáo, giúp soạn lá đơn tố cáo gửi ngày 12/8 đến tổng thanh tra của cộng đồng tình báo.
“Tôi không biết danh tính người tố cáo. Tôi chỉ nghe rằng đó là một người thuộc đảng”, ông Trump nói đầu tuần này.
“Tôi không biết người tố cáo là ai”, quyền Giám dốc An ninh quốc gia Joseph Maguire, lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ, nói hôm 25/9.
Những người tố cáo thường được bảo vệ chặt chẽ theo quy định của chính phủ, nhưng họ cũng phải trải qua quy trình nghiêm ngặt. Ông Maguire nói người đó hành động “theo sách”.
“Tôi nghĩ người tố cáo làm mọi thứ theo đúng cách”, ông Maguire nói trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.
Nhưng bảo vệ người tố cáo có thể khó khăn. Bakaj đồng ý hai người sẽ xuất hiện sau cánh cửa khép kín tại ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện để trả lời các câu hỏi liên quan đến đơn tố cáo.
Còn ông Trump đã mở cuộc tấn công cá nhân, cáo buộc người tố cáo là dựa vào thông tin thứ cấp từ người khác trong làng tình báo và có quan điểm thiên kiến đối với tổng thống.
“Cái người được gọi là ‘người tố cáo’ không biết thực tế chính xác như thế nào. Anh ta có đứng về phe đất nước chúng ta hay không?” ông Trump viết trên Twitter. Hôm qua, ông Trump có vẻ đưa ra lời đe dọa: “Họ gần như chắc chắn là gián điệp. Bạn biết thứ mà chúng ta thường làm ngày xưa khi chúng ta thông minh là gì không? Đúng ư? Gián điệp và phản quốc, chúng ta thường xử lý khơi khác so với cách hiện nay”, ông nói.
Nhưng nhiều người khác hoan nghênh người tố cáo đã mạo hiểm sự nghiệp và cả sự an toàn của cá nhân để nói lên sự thật.
“Tôi muốn cảm ơn người tố cáo vì sự dũng cảm của họ. Họ không cần bước lên phía trước”, ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, nói trong phiên điều trần về đơn tố cáo hôm 26/9.
Luật sư Bakaj không xác nhận thông tin trên báo New York Times rằng người tố cáo làm việc cho CIA, nhưng lên án tờ báo này gây nguy hiểm cho người đó.
“Bất kỳ quyết định nào về việc đưa tin bất kỳ thông tin liên quan đến danh tính của người tố cáo cũng đều là bất cẩn và gây quan ngại sâu sắc, vì có thể đẩy người đó vào con đường nguy hiểm. Người tố cáo có quyền ẩn danh”, ông Bakaj nói.
Hôm 25/9, tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ người tố cáo Whistleblower Aid đã mở chương trình quyên góp công khai để gây quỹ trang trải cho phi phí pháp lý của người tố cáo. “Sĩ quan tình báo Mỹ đã nộp báo cáo khẩn về hoạt động sai trái của chính phủ cần sự giúp đỡ của bạn. Cá nhân dũng cảm đó đã thề sẽ bảo vệ Hiến pháp của chúng ta”, Whistleblower Aid nói.
Một ngày sau khi khởi động sự kiện, tổ chức này đã huy động được hơn 79.000 USD từ khoảng 2.200 người quyên góp.