Một buổi hòa nhạc đầu tháng 2 mang tên “Suy tư rạng đông” tại Nhạc viện Hà Nội; là khách mời danh dự của chương trình “Tiếng vọng cố đô” tại Soul Academy của ca sĩ Thanh Bùi ở Tp. Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 3; là nhạc trưởng cho chương trình hòa nhạc “Đêm mưa” ngày 17/3 tại Viện Goethe Hà Nội. Có thể thấy, mới “khởi động” đầu năm 2018 song các hoạt động âm nhạc của nhạc trưởng Jeff von der Schmidt- người từng đoạt 2 giải thưởng Grammy năm 2004, 2005 hạng mục Chỉ huy dàn nhạc và 9 đề cử Grammy và Grammy Latin
Vợ chồng nhạc trưởng Jeff von der Schmidt chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ nhóm Đông kinh cổ nhạc. Ảnh: Vũ
PV: Thưa nhạc trưởng, được biết trong những năm qua ông và bà đã được mời về Việt Nam để chỉ huy (ông) và cố vấn (bà) cho dàn nhạc giao hưởng đương đại - Hanoi new music ensemble của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Xin ông bà cho biết cơ duyên của hành trình đến với âm nhạc Việt Nam của ông bà bắt đầu từ đâu?
Nhạc trưởng Jeff von der Schmidt: Chúng tôi lần đầu tiên đến Hà Nội vào năm 2005, ngày 9 tháng 1 và bắt đầu công việc khi tôi tham gia sáng lập và đảm nhận phần nghệ thuật cho nhóm nhạc Hanoi new music ensemble. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có 14 năm hiểu thêm về âm nhạc cổ truyền và nhạc đương đại Việt Nam. Tôi tin rằng đời sống âm nhạc của Việt Nam cần phải sẵn sàng để giúp khán giả quốc tế được tiếp cận với một nền văn hóa âm nhạc rực rỡ của nó. Tính đến năm nay, chúng tôi đã có 9 lần đến với Việt Nam. Chúng tôi đang thảo luận các ý tưởng với âm nhạc Việt Nam cùng với một dự án ở Campuchia. Chúng tôi đang rất nỗ lực học tiếng Việt - một ngôn ngữ rất khó nhưng cũng thật thú vị.
PV: Rất mong ông chia sẻ những kỷ niệm khi ông là nhạc trưởng chỉ huy cho tác phẩm của 3 thế hệ tác giả nhạc đương đại Việt Nam là Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiên Đạo đến Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc và bây giờ là soạn giả trẻ Minh Nhật (20 tuổi)?
Nhạc trưởng Jeff von der Schmidt: Với tôi, hai nhạc sĩ Tôn Thất Tiết và Nguyễn Thiện Đạo là hai nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Và tôi đã thật may mắn khi được hợp tác với họ. Hai nhạc sĩ này đã tạo ra một chân dung âm nhạc lạ thường của Việt Nam, đó là một cơ sở vững chắc cho các thế hệ tiếp theo như Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc hay Minh Nhật. Từ mục đích nghiêm túc: truyền cảm hứng để quảng bá bản sắc âm nhạc Việt theo cách riêng của mỗi người đã và đang là công việc được chúng tôi cùng thực hiện. Ước mơ của chúng tôi là mọi nhạc công Việt Nam đều có kỹ năng chơi các tác phẩm quan trọng của đất nước mình – nếu thành công thì điều đó sẽ dẫn đến sự công nhận quốc tế!
PV: Trong năm vừa qua, ông có làm những buổi hòa nhạc kết hợp giữa nhạc cổ truyền Việt Nam với nhạc đương đại (chương trình Tấm gương ký ức hồi tháng 10/2017, chương trình Suy tư rạng đông hồi tháng 2/2017). Xin ông cho biết lý do của việc kết nối giữa nhạc truyền thống và nhạc đương đại Việt Nam?
Nhạc trưởng Jeff von der Schmidt: Khi đến với âm nhạc Việt Nam, tôi đã tìm thấy điều rất thú vị là ở nền âm nhạc này có mối liên hệ giữa âm nhạc cổ truyền và nhạc đương đại rất sôi động. Để thể hiện mối liên hệ này, chúng tôi không chỉ trích dẫn đơn giản các giai điệu từ quá khứ, hoặc cùng sử dụng các nhạc cụ tiếng Việt với các nhạc cụ phương Tây, hoặc chỉ thu thanh rồi phát qua máy tính để làm vang vọng.
Cùng với đó, điều chúng tôi còn cảm nhận được là để Việt Nam hôm nay tiến lên phía trước, để bạn bè quốc tế biết đến thì cây cầu bắc nhịp hữu hiệu nhất chính là âm nhạc chứ không hẳn chỉ là từ những câu chuyện lịch sử, chiến tranh. Việt Nam đang sáng tạo cho mình một bản sắc mới, trong đó văn hóa là phương tiện chứ không phải là kinh doanh, kinh tế, xây dựng và thương mại. Tất nhiên, những yếu tố đó rất quan trọng, nhưng nếu không có văn hóa thì khi đó con người sống chỉ có chủ nghĩa tiêu thụ, điều đó không đủ cho một cuộc sống bổ ích.
PV: Được biết ông bà cũng rất quan tâm đến nhạc cổ Việt Nam và theo các hoạt động kết nối thơ đương đại Nguyễn Duy với nhạc cổ của nhóm Đông kinh cổ nhạc trong hành trình Bắc - Trung - Nam của chương trình này. Xin ông bà chia sẻ một vài ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong những cuộc du hành văn hóa này?
Nhạc trưởng Jeff von der Schmidt: Chúng tôi rất vui mừng khi được đồng hành cùng dự án “The five elements”- dự án kết nối thơ đương đại Nguyễn Duy với nhạc cổ của nhóm Đông kinh cổ nhạc rất thành công ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam và chương trình Ngũ hành, bắt đầu bằng buổi diễn tác phẩm “Kim” của Vũ Nhật Tân trong đêm nhạc “Tấm gương ký ức” hồi tháng 10/2017 cũng có những tiếng vang tốt. Dẫu vậy, tôi vẫn ước mơ trong tương lai cùng với những người bạn như Đàm Quang Minh, Vũ Nhật Tân, nhóm nhạc Hanoi new music ensemble... thực hiện những dự án âm nhạc tiếp tục kết hợp độc đáo, đậm bản sắc Việt này sẽ được thực hiện tại một buổi hòa nhạc lớn tạo dấu ấn với khán giả quốc tế. Bạn hãy tưởng tượng điều này – Việt Nam tham gia vào cuộc thám hiểm thế giới từ chính âm nhạc cổ truyền và đương đại của người Việt để cùng nhau cảnh báo về sự cần thiết phải bảo vệ trái đất! Ý tưởng này là một phần của bản sắc Việt mới trong thời đại của chúng ta!
PV: Xin cảm ơn nhạc trưởng!