Văn chương giúp giải mã số phận con người
Nhà văn Trầm Hương sinh năm 1963, quê gốc Bến Tre. Hồi học phổ thông, Trầm Hương học rất giỏi toán và từng ao ước trở thành bác sĩ nhưng ước mơ không thành. Tốt nghiệp khoa Trồng trọt, trường Đại học Cần Thơ, Trầm Hương trở thành kỹ sư nông nghiệp… Hồi mới vào nghề, nhìn cảnh “dừa khô, lúa lép” vì sự thay đổi môi trường thiên nhiên châu thổ sông Mê Kông, rồi việc dùng quá nhiều hóa chất làm đất bạc màu… chị rất trăn trở và bức xúc. Những trang viết đầu tiên là cuốn tiểu thuyết “Huyền thoại Xê-nê-ô” được viết ra trong sự hoang mang, lo sợ một mai châu thổ hoang vu, gióng lên lời cảnh báo sông bị ngăn dòng, con người bị diệt vong…
Cũng từ đây, chị bắt đầu dấn thân vào con đường văn chương với bút danh Trầm Hương, mà theo chị có ý nghĩa sâu xa: “Khi chọn bút danh ấy, tôi cũng không nghĩ mình đã tự đốt cháy mình. Phải cháy lên mới lan tỏa mùi trầm. Nhưng cái tên đó, nào ngờ cũng trở thành số phận của chính tôi. Nó rất nghiệt ngã. Biết sao được, nghề viết văn đòi hỏi sự hi sinh. Cái sự tự đốt cháy ấy may ra còn được chút tro quý hiếm, có khi chẳng có gì”.
Có một câu thơ chị tâm đắc và xem như “kim chỉ nam”, câu thơ được hậu thế cho là “tuyên ngôn” về văn chương của Á Nam Trần Tuấn Khải: “Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn chứa non sông mới có hồn”. Xác định viết gì, viết thế nào, cho ai…, văn chương của chị nổi tiếng với mảng chủ đề chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm sâu sắc, bút lực dồi dào. Chị quan tâm đến những số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong chiến tranh, cả chính diện, phản diện, người Việt, người Pháp, Mỹ,... Hàng loạt tác phẩm văn học của chị từ tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký, thơ được xuất bản như: “Người tạc tượng”, “Thị trấn không đèn”, “Người đẹp Tây Đô”, “Mưa biển”, “Hoa lửa” “Huyền thoại tình yêu”, “Người đàn bà trong thu tím”, “Hoa kèo nèo tím biếc”, “Nỗi sợ”, “Mẹ”, “Nhân ảnh”, “Một chút tài hoa”, “Sen hồng trong bão táp”, “Nếu như có linh hồn”, “Đêm trắng của Đức Giáo Tông”, “Đêm Sài Gòn không ngủ”, “Chuyện năm 1968”, “Trong cơn lốc xoáy”, “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà”, “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”…
Danh mục tác phẩm của chị còn nối dài với một loạt bản thảo đang dần hoàn thiện: “Khoảng lặng nước mắt“, gồm 3 tập, viết về các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở ba miền Nam - Trung - Bắc; “Sâu thẳm áo dài“ viết về những câu chuyện “áo dài Việt” gắn với cuộc đời người phụ nữ Việt; “Những bông hoa bất tử“ viết về những cô gái hi sinh khi còn rất trẻ, để lại ước mơ hoài bão tương lai; “Giá của hòa bình“, viết về những cựu binh Mỹ mà nhà văn Trầm Hương được gặp, như một đóng góp để hàn gắn những khoảng cách, khép lại quá khứ, mở cửa tương lai, trong mối quan hệ Việt- Mỹ sau chiến tranh…
Bên cạnh đó chị còn dự định viết sách về những người chị, người mẹ ở các cơ sở cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân 1968; về phụ nữ Củ Chi, về doanh nhân Việt Nam xưa và nay; rồi tiểu thuyết lịch sử “Anh em nhà Tây Sơn”, tiểu thuyết về mối tình giữa một cố vấn Mỹ với nữ biệt động Sài Gòn, về những người anh hùng thầm lặng trong chiến tranh, những chiến sĩ biệt động, những nhà tình báo chiến lược, mà theo chị nói là viết để trả nợ những ân tình.
“Có một quá khứ mà nếu cắt bỏ, ta trở thành kẻ vô ơn. Đó là món nợ lòng dân. Tôi có hàng trăm quyển sổ tay ghi chép những câu chuyện bi hùng của quá khứ, cả uẩn khúc, nỗi đau… Những quyển sổ tay ngỡ vô tri mà chứa đựng những số phận con người trĩu nặng. Món nợ đó nhắc tôi phải quyết liệt hành động. Tôi phải viết nhiều hơn nữa, tôi phải làm một điều gì đó để góp một tiếng nói chống lại sự lãng quên. Tôi mở từng trang, chạm vào đâu cũng thấy mình đang mắc nợ…” nhà văn Trầm Hương chia sẻ.
Làm phim tài liệu như cách trả nợ ân tình
Gắn bó với công việc kỹ sư nông nghiệp chỉ trong thời gian ngắn thì Trầm Hương chuyển sang làm phóng viên truyền hình ở TP. Vũng Tàu. Dòng đời đưa đẩy, chị trở thành cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, rồi học sang đạo diễn điện ảnh, thêm văn bằng thạc sĩ báo chí.
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ, thời gian công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho chị nhiều điều kiện tiếp xúc hiện vật, sự kiện, nhân chứng. “Nhưng nếu tiếp xúc bằng sự hời hợt, vô cảm, tôi đoán chắc bạn sẽ không nhìn thấy được lõi vàng, chất ngọc ẩn trong vẻ ngoài của đời thường thầm lặng. Lòng tôi đã yêu, đã rung cảm thì không ai ngăn cấm tôi thể hiện tình yêu của mình…”, nhà văn Trầm Hương bộc bạch.
Nhận thấy nếu chỉ ghi chép, viết ra tác phẩm văn chương thì vẫn chưa đủ để lan tỏa rộng hơn hình ảnh “người thật, việc thật”, trong chị thôi thúc ý nghĩ làm phim tài liệu. Ý nghĩ ấy như một tiếng gọi trách nhiệm, một ham muốn làm sao cho những câu chuyện về lịch sử, về con người mang giá trị sống được lưu giữ qua nhiều thế hệ, để tự hào, để biết ơn, để trả nghĩa ân tình… Và rồi những bộ phim cũng lần lượt ra đời.
Nhắc tới Trầm Hương không thể không nhắc tới ba bộ phim truyện truyền hình và điện ảnh: “Người đẹp Tây Đô” (16 tập), “Biệt ly trắng” và “Lời thề” mà chị giữ vai trò biên kịch. Ở mảng phim tài liệu, nhà văn - biên kịch Trầm Hương như một cái tên “định lượng” của dòng phim tài liệu nhân vật truyền cảm hứng, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử cách mạng. Chị hiện là chủ nhân kịch bản của hàng trăm phim tài liệu được sản xuất như: “Một mảnh tình”, “Nữ kiệt miền Đông”,“Thầy Võ Tòng Xuân”, “Người mẹ”, “Những người con gái trong Khởi nghĩa Nam Kỳ”, “Cha tôi, Người anh hùng!”, “Chân dung liệt sĩ Thành Đoàn”, “Những cánh hoa ngược dòng”, “Đêm trắng Vĩnh Lộc”, “Anh hùng Tạ Thị Kiều”,“Vượt lên số phận”, “Tự sự”, “Võ Văn Mẫn và đồng đội”, “Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp”, “Cuộc hội ngộ sau 35 năm”, “Những bông hoa bất tử”, “Huyền thoại mẹ Việt Nam Anh hùng”...
Hơn 20 năm nay Trầm Hương còn ấp ủ làm phim lịch sử về “Anh em nhà Tây Sơn”. Kịch bản của 122 tập phim này chị đã viết xong nhưng đành gác lại vì chưa thể triển khai được: “Anh em Nhà Tây Sơn” cũng là đề cương cho tiểu thuyết sử thi của tôi, tôi viết vì lòng ngưỡng mộ chất anh hùng, đồng cảm với Nguyễn Huệ, với ngổn ngang trăm mối, với số phận những con người trong cơn lốc cuộc cách mạng. Chắc chắn tôi sẽ quay lại phim này. Đó là món nợ tôi phải trả…”
Hiện nay, Trầm Hương đang dồn tâm sức cho một số dự án phim như: phim tài liệu về nữ biệt động Sài Gòn - “Sống thay cho người nằm xuống“; phim về thế hệ nối tiếp biệt động Sài Gòn chung tay chống dịch Covid-19 và “cuộc chiến” để giữ lại truyền thống anh hùng - “Trận chiến này đâu phải trận cuối cùng“; phim tài liệu về nhà thơ Hoài Vũ...
“Tôi đặc biệt yêu thích làm phim tài liệu vì giá trị tư liệu và lịch sử chứa đựng trong mỗi bộ phim. Hiện thực có quá nhiều con người bình thường làm nên những điều phi thường. Tôi vùng vẫy, vượt qua chính mình để từng bước hiện thực hoá giấc mơ…” - nhà văn, nhà biên kịch Trầm Hương chia sẻ.
Không chỉ khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực điện ảnh, nhà văn - nhà biên kịch Trầm Hương còn ghi dấu với nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng thơ hay của tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng 30 năm văn học TP. Hồ Chí Minh, Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Giải A cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930 - 1975), Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” năm 2016...