Nhà văn Kim Lân sinh ngày 1-8-1920, mất ngày 20-7-2007; tên thật là Nguyễn Văn Tài; quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và sau đó tham gia tích cực xây dựng văn nghệ kháng chiến.
Ông bắt đầu viết văn từ năm 1941 và trở thành ngòi bút chuyên viết về làng quê Việt Nam, với những tác phẩm tiêu biểu như "Nên vợ nên chồng", "Vợ nhặt", "Làng", "Đứa con của vợ lẽ", "Đứa con người cô đầu", "Cô Vịa", "Chó săn"...
Bên cạnh viết văn, ông còn bén duyên với điện ảnh và sân khấu. Một số vai diễn của ông để lại ấn tượng cho khán giả như lão Hạc (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Lý Cựu (phim Chị Dậu), Cả Khiết (vở Cái tủ chè), cụ lang Tâm (phim Hà Nội 12 ngày đêm)... Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Kim Lân là nhà văn tiêu biểu trong làng văn xuôi Việt Nam hiện đại, người có công xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu. Ông đã có cống hiến xuất sắc cho nền văn học mới, nêu tấm gương cao đẹp về lòng yêu nước, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh. Nhà văn Kim Lân để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm sâu sắc về cuộc sống và con người thôn quê, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học cũng đã chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và những kỷ niệm với nhà văn Kim Lân.
Giáo sư Phong Lê chia sẻ, nhà văn Kim Lân không viết nhiều, ông chỉ viết những gì hướng đến điều tử tế, nhân văn. Ông cùng với những tên tuổi như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan... đã xây dựng nền móng cho văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cũng nhận định, với "Làng" và "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân đã nâng tầm những điều bình thường trong cuộc sống thành những điển hình tiêu biểu, tạo được vị thế quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.