Các giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức, mà còn là người đồng hành, lắng nghe và định hướng tâm lý cho từng học sinh trong suốt cấp học. Ảnh: Nhật Nam
Quan tâm đầu tư cho lực lượng chủ lực
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, đội ngũ nhà giáo đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Xác định đội ngũ nhà giáo là lực lượng chủ lực, có vai trò quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, sự quan tâm, đầu tư cho đội ngũ ấy luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều chính sách đặc thù.
Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thông tin: Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho nhà giáo bằng các chính sách ưu đãi nhằm động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề. Hiện nay, ngoài thu nhập từ lương, đội ngũ nhà giáo được hưởng thêm hai loại phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi (với mức từ 25% đến 70% mức lương cơ bản) và phụ cấp thâm niên. Ngoài ra, các địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đội ngũ nhà giáo.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thu nhập bình quân tăng thêm của nhà giáo toàn ngành hiện nay là khoảng 54%, cao hơn một số ngành. Những năm gần đây, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20%, trong đó mức đầu tư cho việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cải thiện các điều kiện hỗ trợ nhà giáo ngày càng tăng.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.700 trường học, hơn 2 triệu học sinh, khoảng cách về điều kiện dạy - học ở các nhà trường còn có sự chênh lệch, song nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hà Nội vẫn giữ vững vị thế là một trong số các đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo - những người luôn sát cánh bên học trò, dạy các em không chỉ bằng tri thức, trách nhiệm mà còn bằng nhân cách của mình.
Ngoài việc đầu tư kinh phí, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng, trau dồi phẩm chất đạo đức, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo môi trường tốt nhất để thầy dạy tốt, trò học tốt. Đó là những nỗ lực để có 67% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia như hiện nay; là việc xây mới để thay thế hơn 5.500 phòng học cấp 4 ở các trường học khó khăn; đó còn là sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị trong việc bổ sung trường, lớp học nhằm giảm hiện tượng sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định của điều lệ, giảm vất vả cho các thầy, cô giáo khi đảm đương nhiệm vụ…
Nỗ lực nhận nhiệm vụ mới
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng: Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, nhà giáo là lực lượng chủ lực, có vai trò quyết định hiệu quả triển khai. Nhằm đạt mục tiêu đi tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục, Hà Nội tiếp tục coi trọng việc đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo một cách toàn diện.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội (huyện Ba Vì) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Nhật Nam
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin: Năm 2019, kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của Hà Nội là 14 tỷ đồng. Ngoài các nội dung về chuyên môn, đội ngũ nhà giáo được quan tâm nhiều hơn về kỹ năng và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, vấn đề cần quan tâm hơn trong giai đoạn tới là nâng cao kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo. Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục quận yêu cầu mỗi trường học phải xây dựng và thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, trong đó chú trọng việc hình thành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thói quen thực hiện các hành vi chuẩn mực theo yêu cầu của nghề. Đây không chỉ là giải pháp để đội ngũ nhà giáo ngày càng hoàn thiện cả về chuyên môn, kỹ năng và đạo đức, mà còn định hướng cho họ về cách ứng xử đúng, đẹp, hạn chế những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Còn cô giáo Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) bày tỏ: Trước những biến động phức tạp của xã hội, để học trò trở thành những công dân tốt, trách nhiệm của nhà giáo, nhất là những người làm công tác chủ nhiệm hiện nay cần có sự thay đổi. Họ không chỉ là người truyền dạy kiến thức, mà còn là người đồng hành, lắng nghe và định hướng tâm lý cho từng học sinh trong suốt cấp học.
Thành phố Hà Nội hiện có 100% giáo viên các cấp học có trình độ đào tạo đạt chuẩn, nhiều cấp học có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, ngoài yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới đòi hỏi mỗi giáo viên không chỉ dạy học bằng tri thức, mà còn bằng nhân cách và biết khơi nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và học trò. Đáp ứng yêu cầu này, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động, như: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, là “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, là Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”…
“Các phong trào, cuộc vận động này không chỉ tạo môi trường để mỗi thầy giáo, cô giáo tu dưỡng, rèn luyện, mà còn nhằm lan tỏa những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tạo nền tảng để các nhà trường phát triển bền vững” - bà Trần Thị Thu Hà khẳng định.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/950814/nha-giao-truoc-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-vinh-du-lon-trach-nhiem-cao