Hà Nội bây giờ thay đổi nhiều lắm, đường phố như rộng ra, ngõ xóm như dài thêm, vậy mà anh em chúng tôi (tôi và anh Băng Hồ) đã tìm được nơi ẩn dật của vị cố nhân, bạn vong niên của phụ thân chúng tôi xưa: Cụ Phạm Mạnh Phan.
Nhà báo Nguyễn Tường Phượng (người đeo kính) chụp ảnh cùng vợ và các con - Ảnh tư liệu của gia đình Chúng tôi để lại sau lưng sự ồn ào của đường phố Bạch Mai trong ngày chủ nhật đẹp trời, nhiều đám cưới, đám ăn hỏi để hướng đến một nơi yên tĩnh: ngõ Mai Hương. Qua một cổng theo kiểu tam quan chùa làng, cụ Phan niềm nở tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà thờ họ cổ kính ba gian hai chái. Và điều chúng tôi nhận ra đầu tiên là sách. Vâng, rất nhiều sách, những cuốn sách cổ, tạp chí xuất bản trước 1945 được cụ đóng từng bộ bìa cứng gáy mạ chữ trong đó có trọn bộ tạp chí Tri Tân do phụ thân chúng tôi làm chủ nhiệm, ra đời từ năm 1941 đến 1946. Thật hạnh phúc cho anh em chúng tôi được hầu chuyện cụ - một ông già 85 tuổi nhưng minh mẫn, vui tính. Chúng tôi lặng đi trong những kỷ niệm vui buồn cụ kể về những ngày làm báo xưa:
- Chúng tôi một nhóm chơi thân với nhau, tuổi sàn sàn thường ngồi bàn với nhau nên làm một việc gì đấy như ra một tờ báo chẳng hạn. Hồi ấy hăng hái lắm, nhiều báo chí ngôn luận, ai cũng muốn khẳng định mình, có tiếng nói của mình. Tôi (Phạm Mạnh Phan), ông Nguyễn Tường Phượng, ông Hoa Bằng bàn nên lấy câu Luận ngữ “Ôn cố nhi tri tân” làm tôn chỉ mục đích của tờ báo đã, còn nội dung bài vở thế nào bàn sau. Chúng tôi đặt tên báo là Tri Tân, số đầu tiên ra vào tháng 6 năm 1941, cũng tình cờ chọn ngày tháng thôi. Lúc đầu nhóm Tri Tân chỉ có ba người chúng tôi, mục đích đề ra là bảo đảm tính lịch sử, yêu nước chân chính, vì lúc ấy báo chí chỉ ca ngợi bên ngoài nên ta phải làm báo của nước ta, nêu những vị anh hùng lịch sử, những tấm gương sáng, nghĩa liệt để tuổi trẻ noi theo.
Hồi ấy (cười vui) chúng tôi cũng ghê lắm, không ai chịu ai, nên cụ Phượng chỉ làm vai trò chủ nhiệm thôi, còn tôi trông nom việc in ấn, bài vở nôm na là “bếp núc” ấy mà. Chúng tôi gặp nhau trên địa hạt văn học, không làm chính trị, chỉ văn học sử thuần túy.
Sau này Tri Tân mạnh lên, có nhiều người có tên tuổi viết bài như cụ Dương Tự Quán, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Trần Văn Giáp, toàn viết về khảo cứu thôi. Trong đó cụ Nguyễn Văn Tố viết nhiều nhất, có lần cụ gửi đăng những ba bài. Tôi là học trò của cụ, nên tôi dám nói với cụ là sẽ đăng dần dần, còn ai cũng nể cụ lắm. Có lần ông Hoa Bằng chữa bài cụ Tố, gặp tôi cụ hỏi “Hoa Bằng là ai?”. Ông có biết ông ấy chữa bài của tôi không?”
Tôi vội gặp Hoa Bằng: “Này cậu, bài của cụ đưa thế nào thì để như thế đừng chữa gì cả, chữa bài, cụ bực lắm, cụ không viết thì nguy to” (cười sảng khoái).
- Xin bác cho biết chút ít về việc “bếp núc” của bác? – Anh Băng Hồ hỏi vui.
- Nhiều, nhiều lắm, ông Phượng chỉ lo những việc chung chung, hàng ngày cứ hỏi: Này có báo ra chưa? Ông ấy rất yên tâm vì có tôi mà. Bài vở trước khi đăng, phải kiểm duyệt, chờ đợi nhiều khi hỏng việc của mình. Nhưng chúng tôi khôn lắm, viết rất nhiều bài chưa kiểm duyệt một thể. Trước bài kiểm tra bài đưa kiểm duyệt một thể. Trước bài kiểm duyệt nó còn cho để trắng trang viết, sau nó bắt dồn trang, dồn bài. Mà tâm lý người đọc lại thích đọc báo có kiểm duyệt để trắng trang, họ cho là tờ báo có khí thế, dũng cảm, có tư cách không bồi bút. Họ xóa cứ xóa, tôi lại tìm cách đưa vào. Tôi nhớ có một bài cụ Phượng viết về Tháp Báo Thiên, Chùa Báo Thiên đăng ngay số 1 (số mở đầu) không biết có đụng chạm tới “Tây” không mà bị kiểm duyệt hai cột trắng. Cũng có khi tôi làm quen với người kiểm duyệt: “Này số tới đừng có kiểm duyệt bài của anh em nhé”. Họ cũng đồng ý.
- Thưa bác, ngày ấy ban trị sự “đóng đô” ở đâu ạ? Tôi hỏi cụ Phan
- Nhà ông Phượng ngày ấy ở 349 phố Huế, hơi xa “trung tâm”. Chúng tôi quyết định nhờ ông Phan Kỳ Nông cho mượn địa điểm ở 70 phố Bạch Mai như thế là trung tâm rồi, đó là khoảng năm 1941; năm 1942 tòa báo (gồm trị sự và tòa soạn) chuyển lên 195 phố Hàng Bông là ông Dương Tự Quán để bạn đọc tiện giao dịch, gửi bài và thư từ trao đổi.
Tôi còn nhớ sau đó nhà in lại ở 95 – 97 phố Chanceaulme (phố Triệu Việt Vương ngày nay) nghĩa là chúng tôi cũng gặp khó khăn về kinh tế, nên anh em tự nguyện đóng góp cho tờ báo, đứa con của mình. Tôi còn nhớ cụ Phượng kể chuyện là cụ bà đã bán cả ruộng của cha mẹ cho, để đưa chồng làm báo, thật là cảm động.
Cụ im lặng rồi nói chậm rãi, xa vắng:
- Ngày ấy làm báo vui lắm, các ông nhà báo hễ gặp nhau là ngồi tán chuyện, nhà báo mà, ngồi đến 12 giờ đêm, chẳng nhìn đồng hồ nữa, mà cũng chẳng thiết ăn nữa.
Cuộc sống ngày xưa không nghĩ đến tiền tài, sống tự nhiên, hồ hởi với công việc, làm báo chỉ tội ít tiền nhưng thích lắm, cứ ngồi ở tòa soạn gặp nhau trao đổi bài vở, tán chuyện là thích lắm rồi.
Cụ Phượng cũng là người hay chuyện, dễ dãi, vui tính, anh em rất quý. Năm 1945 cách mạng tháng Tám thành công, chúng tôi chủ trương ra mấy số đặc san “Việt Nam giải phóng”. Những số này cụ Phượng thích lắm, có mấy bài viết hơi có màu sắc chính trị một tý, không khảo cổ nữa, là người thức thời, có trách nhiệm với ngòi bút của mình, sau khi được gặp Cụ Hồ, bài báo “Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, của cụ Phượng đăng trong số báo 206 ngày 20/9/1945 là một tuyên ngôn mới của nhóm. Thời kỳ ôn cố đã qua, nay phải theo mục đích Tri Tân, cái mới.
Bây giờ nghĩ lại những ngày đó thấy nó sôi động làm sao, ý nghĩa làm sao! Thật ngắn ngủi nhưng đáng tự hào. Ngày tản cư, tôi bỏ hết những đồ dùng cá nhân gia đình, nhưng sách, đặc biệt là bộ Tri Tân phải mang đi, thuê người gánh, không xa rời nó được, nó trở thành vô giá, tôi không thể đổi nó với bất kỳ cái gì kể cả vàng bạc châu báu. Bây giờ ngồi đọc lại tôi vẫn thấy hay, ngày ấy mình còn trẻ mà suy nghĩ cũng già dặn lắm. Các anh các chị bây giờ còn nghĩ đến thế hệ chúng tôi, nhắc lại kỷ niệm cũ tôi rất cảm động.
Ngay ngôi nhà này cũng có nhiều kỷ niệm với cụ Phượng lắm, góc kia kìa (cụ chỉ vào gian trái) là chỗ ngủ của cụ Phượng khi bắt đầu chiến tranh, cụ bà và các cháu về quê, cụ xuống đây ở với tôi, trông nom cho tờ báo hoạt động được trong thời kỳ ấy (1945 – 1946); lúc này đúng là tôi làm “bếp núc” thật cho cụ Phượng…
Nhà đã lên đèn, sợ ngồi lâu cụ Phan mệt, chúng tôi cáo từ. Cụ tiễn ra sân, trong cảnh chiều đông ấm áp, nhìn cụ trong khung cảnh êm đềm tịch mịch ấy, bất giác tôi nhớ đến phụ thân khi Người sống ở quê nhà cũng trong một ngôi nhà thờ cổ kính, lặng lẽ cầm tay tiễn tôi ra Hà Nội, những năm sơ tán.