Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp

tuoitre| 21/06/2017 13:56

Omar al-Jubory muốn cho thế giới biết thành phố Mosul (Iraq) sống như thế nào dưới gông cùm IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Vì thế anh bị xem là tên gián điệp và suýt phải trả giá bằng sinh mạng của mình.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Biểu tình đòi trả tự do cho nhà báo nữ Afrah Shawqi ngày 30-12-2016 tại Baghdad - Ảnh: AFP

Bị bắt

Mùa hè năm 2014, chàng thanh niên Omar al-Jubory, 27 tuổi, đang làm nhân viên xã hội tại thành phố Mosul, quê hương của anh ở miền bắc Iraq.

Anh đã chứng kiến Mosul rơi vào tay IS vào tháng 6-2014. Từ đó anh đã lập mạng lưới ngầm để cung cấp thông tin.

Các nhà báo địa phương như Jubory là nguồn cung cấp thông tin duy nhất về thành phố Mosul đang nằm dưới bàn tay sắt IS.

“Cũng vì công việc làm báo mà sinh mạng của tôi gặp nguy hiểm. Cho dù đó là niềm say mê của tôi nhưng tôi không thể tiếp tục được nữa

Omar al-Jubory

Trả lời tạp chí Slate qua điện thoại, Jubory cho biết ban đầu anh viết bài tường thuật tội ác hằng ngày của IS và gửi cho báo Al-Quds Al-Arabi (báo bằng tiếng Ả Rập xuất bản tại London).

Sau đó, anh gửi bài cho BBC News. BBC đã từng phỏng vấn anh về chủ đề IS sử dụng tra tấn và cách thức IS sửa chương trình sách giáo khoa để kích động sử dụng bạo lực.

Với mỗi bài viết về Mosul, Jubory nhận được nhuận bút 50 USD, một cảnh quay video tại Mosul được trả từ 200-500 USD.

Anh bộc bạch với tạp chí Foreign Policy: “Tôi không làm vì tiền. Tôi đủ tiền nuôi thân rồi”. Điều anh cần là khắc họa bối cảnh cuộc sống người dân Mosul trong vòng kiểm soát vũ lực của IS.

Anh nói: “Cho dù có hình thức chống đối gì đó thì cũng rất yếu ớt... Chúng giết trẻ em, phụ nữ, người già... Ai nói tiêu cực về chúng đều bị giết sạch cả gia đình. Không ai dám nói đến chúng”.

Năm 2015, IS mở chiến dịch bắt bớ các nhà báo tại Mosul. Jubory bị truy nã. Chúng dò tìm các nguồn cung cấp thông tin với ý đồ phăng lần đến Jubory. Anh phải trốn từ khu này sang khu khác để tránh bị bắt.

Ngày 19-10-2016 ở phía nam Mosul, Jubory bị chặn lại trên phố. Một người dân ủng hộ IS đã tố cáo anh.

Jubory bị bắt vì “làm việc cho các kênh truyền hình phản bội nước ngoài” và bị giải đến giam giữ tại Hamam al-Alil.

Trò tra tấn bắt đầu. Bọn cai ngục chích điện, cột một chân treo lơ lửng và lấy roi quất anh không thương tiếc để buộc anh phải nhận mình làm gián điệp.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Người dân chạy khỏi vùng chiến sự ở Mosul ngày 1-6-2017 - Ảnh: AFP

Trốn chạy

Omar al-Jubory bị giam chung với một người bị IS kết tội liên lạc với quân đội Mỹ và Iraq. Sau 10 ngày giam giữ, anh được giải đến trước thẩm phán của IS.

Tên này không cần xét xử đã tuyên án tử hình. Lệnh hành quyết đã được ký, bọn cai ngục tiếp tục giam giữ và tra tấn Jubory.

Một ngày nọ, chúng mặc bộ quần áo phạm nhân cho anh và chuẩn bị giống như quay phim cảnh xử tử. Kế đó chúng thay đổi thái độ, kề dao vào cổ anh rồi nói: “Thôi ngày mai chúng ta sẽ giết nó”. Một lần khác, chúng lấy súng ngắn bắn sát rạt đầu anh.

Trong bối cảnh bị quân đội Iraq tấn công dồn dập và phải thối lui tại Mosul, IS giải tán các nhà tù bằng cách đem phạm nhân đi hành quyết.

Lúc bấy giờ Jubory nghĩ đến chuyện vượt ngục. Anh biết số ca trực bảo vệ nhà tù giảm chỉ còn ba, bốn tên vì chúng sợ bị không kích. Anh nhớ nhà vệ sinh ở tầng trệt có cửa thông gió có thể dùng làm nơi thoát thân.

Sau khi một số phạm nhân bị xử tử, Jubory được đưa xuống tầng trệt. Anh kể lại: “Tôi cảm thấy đã đến giờ hành động. Tôi phải thoát thân. Nếu còn ở lại chắc chắn tôi sẽ chết”.

Jubory xin tên gác cửa đi vệ sinh và thoát ra ngoài qua cửa thông gió. Khổ nạn của anh vẫn chưa hết.

Chiến sự diễn ra ác liệt ở phía nam Mosul, do đó anh phải vượt sông Tigris quay lại Mosul tá túc ba tuần trong nhà bạn bè. Một ngày nọ, anh mặc trang phục theo kiểu quy định của IS vượt phòng tuyến mặt trận đông nam Mosul sang khu vực do quân đội Iraq kiểm soát.

Cho dù may mắn sống sót, Jubory quyết định bỏ nghề và không nghĩ đến chuyện trở lại Mosul. Anh chỉ mong rời khỏi Iraq nhưng mọi giải pháp ra đi đều không thể.

Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
Nhà báo nữ Shifa Gardi thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại Mosul ngày 26-2-2017 - Ảnh: Rudaw

Dân quân lộng hành 

Sau khi IS chiếm Mosul, thành phố đã trở thành cái bẫy của giới truyền thông. Từ giữa năm 2014 đến nay đã có 48 nhà báo bị IS bắt cóc ở Mosul. 13 người bị hành quyết, 25 người được thả tự do sau khi bị tra tấn và cam kết bỏ nghề, 10 người không rõ số phận.

Đáng sợ nhất là bọn IS bắn tỉa. Ngày 22-10-2016, một tay súng IS bắn tỉa đã bắn trúng ngực phóng viên quay phim Ali Risan của Đài truyền hình Al-Sumaria. Nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Tổ chức phi chính phủ Global Voices (Mỹ) ghi nhận ngoài đương đầu với IS, các nhà báo Iraq còn phải đối phó với các lực lượng dân quân.

Nhà nghiên cứu Renad Mansour ở Trung tâm Carnegie về Trung Đông tại Beirut (Liban) ước tính tại Iraq có từ 60-70 nhóm dân quân vũ trang với quân số 90.000-100.000 người. Còn theo số liệu của Chính phủ Iraq, quân số dân quân khoảng 140.000 người.

Dân quân là một bộ phận vũ trang tham gia chống IS nhưng lại bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác. Họ sẵn sàng dùng vũ lực đối với những nhà báo muốn vạch trần chân tướng của họ.

Nhà báo nữ Afrah Shawqi là một ví dụ. Ngày 26-12-2016, tám người cầm súng mặc thường phục tự xưng là người của cơ quan an ninh đã bắt giữ cô tại nhà riêng ở Baghdad. Chín ngày sau họ mới trả tự do cho cô.

Trong thời gian bắt giữ, họ tra vấn cô về công việc làm báo và các bài viết đã đăng. Một ngày trước khi bị bắt, cô đã đăng bài viết cáo buộc các nhóm dân quân thực hiện hành vi trái pháp luật mà không hề bị trừng phạt.

Afrah Shawqi không biết những kẻ bắt cóc là ai nhưng cô cho rằng chúng giống như người của một nhóm vũ trang vô tổ chức. Chính phủ Iraq đã hứa sẽ truy tìm và xét xử bọn này nhưng cô không hề tin tưởng điều đó vì ngày 2-1-2017, cảnh sát đã từng bắn đạn thật để giải tán các nhà báo biểu tình đòi trả tự do cho cô.

Theo ghi nhận của Tổ chức phi chính phủ Global Voices (Mỹ) ngày 26-2-2017, nhà báo nữ người Kurd ở Iraq, Shifa Gardi, người giới thiệu chương trình cho kênh truyền hình Rudaw của người Kurd, đang tác nghiệp gần hố chôn người tập thể của IS thì một quả bom của IS phát nổ, Shifa Gardi và bốn người khác thiệt mạng. Phóng viên quay phim Younis Mustafa của kênh truyền hình Rudaw bị thương.

>> Kỳ tới: Người bị săn lùng

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo giữa lằn ranh sinh tử - Kỳ 3: Tên gián điệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO