Ngày ấy, do đặc thù công việc, ông bà phải sống mỗi người một nơi. Thế nhưng khoảng cách địa lý không làm tình cảm của ông bà phai nhạt mà nó được ấp ủ, nuôi dưỡng từng ngày. Những yêu thương, nhung nhớ được gửi gắm qua mỗi bức thư tay. Và những bức thư ấy được trân quý và giữ gìn cho đến tận bây giờ.
Điều đặc biệt ở mỗi lá thư sau ngày cưới mà ông gửi cho bà đều có ghi dòng chữ “Lập Xuân 4/2”. 4/2 chính là kỷ niệm ngày cưới của ông bà. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ thấy tình yêu của ông dành cho bà lớn đến nhường nào.
Những dòng chữ chan chứa tình yêu thương của ông gửi cho bà, khiến không ít người xúc động. Từng câu, từng chữ là những lời nói chân thành từ con tim: “Những đêm lạnh nằm trên giường càng thấy nhớ em nhiều hơn. Bởi vì lúc này, người yêu ở quê cũng đang phải lạnh giá một mình và tránh sao khỏi nỗi nhớ chồng. Anh viết thư thăm em lần này với sự cảm kích khuôn nguôi vì thấy thương em đang phải sống những ngày vất vả.”
“Anh nhớ mẹ con em nhiều quá, nhớ đến sốt ruột, muốn bay về ngay để ngắm ba mẹ con em”.
Trải qua 10 năm hôn nhân, tình cảm của ông dành cho bà vẫn vẹn nguyện như ngày đầu, thậm chí khoảng cách địa lý khiến cho nỗi nhớ thương càng thêm sâu đậm khắc khoải: “Nhớ thương em và các con, có lúc anh thấy bâng khuâng thế nào ấy. Tết này, vợ chồng mình cưới nhau đã được 10 năm. Thời gian chạy nhanh thế đó, đã dài thế đó nhưng gần nhau có được bao nhiêu.”
Hiện tại, 3 người con của hai ông bà đều đã trưởng thành và thành đạt. May mắn hơn nữa, sức khỏe của hai cụ vẫn tốt, vẫn có thể ở bên chăm sóc và đỡ đần nhau khi ốm đau. Theo chị Hồng, con gái của hai cụ cho biết, 50 năm tình yêu của hai cụ vẫn vẹn nguyên như thuở nào, dù đã lên chức ông bà, ông vẫn gọi bà là em, xưng anh.
Tình yêu chẳng phải là những thứ xa hoa, nó được vun đắp bởi tình cảm chân thành, sự sẻ chia, tôn trọng và thấu cảm dành cho nhau. Chuyện tình của ông bà sẽ là minh chứng để giới trẻ có thêm niềm tin vào tình yêu đẹp.