Người tạo màu xanh cho quê hương

Sơn Dương| 05/05/2022 14:12

Với tâm huyết mang đến sự đổi mới cho quê hương, bằng sự kiên trì, bền bỉ và nhất là tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, ông Đoàn Văn Nhóc – thôn Đoàn Xá, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tích cực trồng và chăm sóc cây xanh trên các đoạn đường giao thông xã, tạo cảnh quan xanh cho các con đường quê. Việc làm ý nghĩa của ông đã giúp người dân địa phương hiểu và tích cực hưởng ửng tham gia phong trào xây dựng “Nông thôn mới”, bộ mặt nông thôn của xã Đồng Tiến ngày một xanh - sạch - đẹp.

Tiên phong, gương mẫu

Về thôn Đoàn Xá, vào một ngày cuối tháng 4-2022, tôi cảm nhận rất rõ sự đổi mới của vùng quê yên bình này. Không còn nữa những con đường đất chật hẹp, nắng bụi, mưa lầy thường thấy ở những vùng nông thôn trước kia, những con đường của xã Đồng Tiến nói chung, đường thôn Đoàn Xá nói riêng giờ đã được bê tông hóa kiên cố, phẳng phiu, rộng rãi, uốn lượn xung quanh những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và những hàng cây ven đường xanh mát mắt. Trên gương mặt chất phác, thật thà của những người dân là những nụ cười hồn hậu và lấp lánh niềm vui khi chất lượng cuộc sống đã được nâng lên nhiều. Hỏi thăm nhà ông Đoàn Văn Nhóc, người dân ở đây ai ai cũng biết. “Ông ấy chính là người tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng cho làng quê được đổi mới, đẹp đẽ, xanh mát như ngày hôm nay” – một người dân cho biết.

Người tạo màu xanh cho quê hương
Ông Đoàn Văn Nhóc – thôn Đoàn Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Ông Nhóc sinh năm 1952 dáng người thanh mảnh, gầy gò, vồn vã đón khách. “Tôi không phải cán bộ xã hay giữ vai trò gì trong thôn cả. Những việc tôi làm là bằng trách nhiệm của một công dân hưởng ứng các chủ trương của Đảng, Nhà nước và là tình cảm, tâm huyết với quê hương mình mà thôi” – Ông Nhóc giải thích khi được hỏi về lý do khiến ông tình nguyện góp công, góp sức xây dựng nông thôn ngày càng sạch – đẹp và tích cực vận động bà con cùng tham gia bảo vệ môi trường tạo cảnh quan đẹp cho quê hương mình.

Theo lời ông Nhóc, quá trình đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay đã và đang làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, bình dị của làng quê Việt Nam. Hằng ngày chứng kiến việc những cây đa, khóm trúc, bụi tre hình ảnh biểu tượng cho làng quê Việt đang dần biến mất ông xót xa lắm. Thế rồi, khi chứng kiến những người dân trong thôn đầu trần đi lại và ngồi nghỉ dưới nắng trong các buổi làm đồng ông Nhóc đặt quyết tâm phải trồng lại bằng được những hàng cây cho xóm làng, cho người dân.

Ông Nhóc chỉ tay về phía đường dẫn ra nghĩa trang làng hồ hởi: “Đầu tiên tôi đi xin cây sưa và vú sữa về trồng ở đó để khi có công có việc thì người dân trong thôn có bóng mát mà nghỉ ngơi. Sau đó tôi lặn lội khắp trong vùng lần mò xem ở đâu có các giống cây mà trâu bò không ăn cũng không phải chăm sóc gì nhiều để xin, họ không cho tôi bỏ tiền ra mua rồi về trồng them trên đoạn đường Đằng ngang và đường Man của xã”.

Người dân nơi đây cho tôi hay, con đường làng dẫn ra nghĩa trang xưa kia vốn là đất đá, bờ sông sạt lở lung tung, không có một loại cây cối nào ở ven đường, khi trời nắng nóng mọi người qua lại thì bụi bay mù mịt gây khó chịu cho mọi người và ô nhiễm môi trường, nghe mọi người kháo nhau việc ông Nhóc xin phép chính quyền xã rồi tự mình đi xin giống về để trồng cây mọi người ngạc nhiên lắm. Do không được sự trợ giúp của con cái, dân làng nên ông Nhóc phải một mình làm việc cả tháng trời rồi lại phải chăm cây. “Hôm nào tôi cũng dành ra một chút thời gian để ra đó tưới cây rồi canh xem có loại động vật nào phá hoại cây mình trồng hay không. Sức khỏe mình tuy đã sút giảm nhiều, tuy nhiên tôi luôn nghĩ “có công mài sắt có ngày thành kim”, chính vì vậy tôi lại càng cố gắng và kiên trì với công việc mà mình đã làm” - ông Nhóc nở một nụ cười nhớ lại những ngày đầu trồng cây.

Hàng trăm cây sưa, vú sữa... đi xin, đi mua về ông Nhóc đem trồng cẩn thận ở ven đường, trong thôn và những nơi công cộng mà người dân trong thôn, trong xã thường tụ họp. Ông tâm niệm, phải trồng bằng được những hàng cây đó để giữ cái thần cho làng, chứ làng quê mà thiếu đi những thứ đó thì thật là buồn. Sau nhiều năm trời ròng rã làm việc không nghỉ ngơi, những con đường cây xanh của ông Nhóc dần hình thành, nhìn những chồi non đang từng ngày vươn lên tươi tốt mà trông ông hạnh phúc đến lạ thường.

“Mô hình ông Nhóc”

Trồng cây, song ông Nhóc cũng tính toán thật cẩn thận, chu đáo sao cho cây trồng xuống phải thẳng hàng và đẹp. Mặt khác, không ảnh hưởng đến đường đi và hệ thống điện của xã. Nhưng công việc lấy đi của ông Nhóc nhiều mồ hôi và nước mắt nhất lại là công việc chăm sóc, bảo vệ cho cây. Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất mà ông lão “khác người” ấy gặp phải. Trẻ con hiếu động trèo, bẻ rồi trâu bò húc đổ... Có cây ông phải trồng đi trồng lại đến 5 - 6 lần.

Nói về việc chăm sóc cây thì khó có ai thương cây như ông Nhóc. Người dân trong thôn nhiều khi thấy ông tỉ mẩn dùng ấm nước sạch tưới vào rễ từng gốc sưa, vú sữa… mà nói trêu ông là quý cây như con. Ông kiên trì xúc từng sảo bùn, rào từng gốc cây, quét dọn rác rưởi, tưới tắm đều đặn hàng ngày. Nhiều hôm ông mắc võng cả ngày ngoài đường để trồng cây. Con cháu thấy ông nhiều tuổi rồi mà còn cặm cụi làm những việc không đâu thì ra sức can ngăn, làng xóm thì xì xào bàn tán, nhiều người còn bảo ông bị “lẩm cẩm” nên mới rỗi hơi như thế. Bỏ ngoài tai những lời rèm pha, bàn tán ông Nhóc vẫn vui vẻ cần mẫn chăm sóc cho hàng cây như chính con của mình vậy.

Người tạo màu xanh cho quê hương

Những hàng cây tại đoạn đường dẫn ra nghĩa trang của thôn đã được phủ màu xanh mát mắt

Vậy rồi sau nhiều năm, cây sưa, vú sữa giờ đã lớn, xanh tốt tỏa bóng mát khắp thôn, chim chóc rủ nhau về hót líu lo. Cây sưa, cây mà ông Nhóc trồng cạnh nhau ở đường Đằng ngang trong xã tôi đã thấy chúng cuộn rễ vào nhau, ra dáng một cây cổ thụ nghiêm trang đứng sừng sững trấn giữ cho thôn, xã.

Một người dân trong thôn Đoàn Xá bộc bạch: “Từ ngày bóng mát hàng cây mà ông Nhóc trồng che mát khắp đường làng ngõ xóm, cảnh những người dân nhễ nhại ngồi nghỉ ngơi khi đi làm đồng dưới nắng không còn nữa. Các cô các bác, và những người dân trong làng, xã thầm cảm ơn việc làm của ông Nhóc nhiều lắm!”

Giờ đã bước sang tuổi 70, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng với tổng 490 cây trên 3 đoạn đường của xã (đường Đằng ngang 160 cây, đường Man 170 cây, đường ra nghĩa trang thôn 260 cây) của ông Nhóc trồng đã có thể đứng một mình hiên ngang che chở cho làng. Đứng ở quán nước đầu làng quan sát tôi thấy trai gái trong thôn Đoàn Xá đứng thành từng tốp vui đùa bên đưới tán lá sưa. Bên cạnh bờ hồ các cụ già đang vui vẻ, ồn ào “chiếu tướng” dưới một cây vú sữa nhiều tuổi. Dưới bóng cây, một bác thương binh đang ngồi trên xe lăn cắt tóc cho khách, miệng luôn nở một nụ cười. Đáng quý hơn, hàng cây của ông Nhóc còn là chỗ nghỉ chân của người nông dân khi đi làm đồng về, nơi hóng mát vui chơi của bọn trẻ những trưa hè, ai ai ngồi dưới bóng mát cũng thầm cảm ơn tấm lòng của ông già cao cả ấy.

Không những vậy, nhà ông Nhóc từ lâu đã trở thành một vườn ươm thu nhỏ với rất nhiều loại cây. Ông ươm các cây con trong chậu, góc vườn, đợi cây lớn rồi tìm một khoảnh đất thích hợp đem ra trồng. Ông tâm sự: “Còn sống ngày nào thì ngày đó tôi vẫn trồng cây. Như lời Bác Hồ dạy đấy, có cả Tết trồng cây cơ mà! Dù có túng thiếu đến đâu tôi cũng không bao giờ bán những loại cây của tôi. Tôi muốn giữ lại một chút hồn quê Việt cho con cháu mai sau. Nhưng tôi lo lắm anh ạ! Chỉ sợ tôi mất đi không biết lấy ai chăm sóc cho chúng” - ông Nhóc giãi bày rồi nhìn vào hàng cây xanh ngắt đang rì rào đón gió soi bóng xuống lòng sông gợn sóng lăn tăn.

Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trao tặng là niềm tự hào, là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của ông Đoàn Văn Nhóc. Tuy nhiên, theo tôi thấy, có lẽ niềm vui lớn nhất và lớn hơn tất thảy đối với ông là giờ đây được chứng kiến sự thay da, đổi thịt của quê hương mà chính bản thân ông đã đóng góp và phần nào giúp người dân địa phương hiểu và tích cực hưởng ửng tham gia phong trào xây dựng “Nông thôn mới”, để bộ mặt nông thôn của xã Đồng Tiến ngày một xanh - sạch - đẹp.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Người tạo màu xanh cho quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO