Quang Ceramic Art Space được hoàn thiện vào tháng 4-2021. Mảnh đất có diện tích gần 2.000m2 tại trung tâm làng gốm Bát Tràng thuộc sở hữu của họa sĩ Nguyễn Như Quang từ những năm 90 của thế kỷ trước được thiết kế bao quanh bởi không gian cây xanh, hồ cá Koi tươi mát quanh năm trong lành và tĩnh tại. Trước khi được chuyển công năng thành khu Ceramic Art Space thì nơi đây là một xưởng gốm cũ của họa sĩ Nguyễn Như Quang (nổi tiếng với biệt danh Quang "gốm" từ những năm 1990) nhưng sau đó vì nhu cầu sản xuất hàng gốm xuất khẩu quá lớn nên ông đã xây dựng một khu xưởng mới tại Quảng Ninh khoảng hơn 3 hecta.
Quang Ceramic Art Space trưng bày những sản phẩm do họa sĩ Nguyễn Như Quang thiết kế và sản xuất hơn 30 năm qua với những mẫu hình như hoa dây, ngày xưa được nung trong lò hộp chứ không phải lò gai như bây giờ, nên sản phẩm được cho là rất thủ công và thô sơ. Tất cả các thiết kế ở đây, những sản phẩm có sự kết hợp giữa gốm, mây tre đan, cói đều là của Quang "gốm" và được đưa đi xuất khẩu nhiều nước Âu, Mỹ. Ở thời điểm đó, kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Quang "gốm" lên tới hàng chục triệu đô la là chuyện bình thường. Nhờ xuất khẩu gốm, ông đã mua được hai căn nhà mặt phố Hà Nội khi tuổi đời mới chỉ hơn 30. Nhờ những sản phẩm sáng tạo được khách hàng quốc tế ưa chuộng, đơn hàng về tới tấp, Quang "gốm" đã hướng dẫn cho nhiều chủ lò gốm ở Bát Tràng cùng làm xuất khẩu, góp phần giúp nghề gốm hồi sinh, tạo nên sinh lực mới cho làng gốm cổ ở phía bắc Thủ đô.
Tính sáng tạo và ham muốn kiếm tiền bằng chính đôi tay, khối óc của mình dường như đã hình thành trong họa sĩ Nguyễn Như Quang từ thời ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ nhỏ ông đã bị ám ảnh bởi câu chuyện một đám trẻ con nông thôn mò được vàng ở trong ao làng, và cứ nghĩ liệu có lúc nào đó mình cũng… bỗng nhiên tìm thấy vàng hay không. Trong một lần đi chơi, trên đường ông bỗng thấy ở gốc cây có thứ gì lấp lánh sáng, tưởng rằng đó là vàng, ông vội dừng xe lại và chạy tới nhặt, hóa ra đó chỉ là chiếc ruột phích bị vỡ. Rồi chợt một suy nghĩ lóe trong đầu, ông quyết định không đi chơi nữa, đem theo chiếc ruột phích về nhà, bọc nó vào trong tấm vải rồi đập vỡ vụn, rắc lên các bưu ảnh do mình thiết kế để tạo thành một hiệu ứng lung linh. Những tấm bưu ảnh ông làm lập tức bán chạy hơn của người khác. Nhờ những mảnh vụn từ ruột phích kết hợp với tính sáng tạo của mình mà ông đã kiếm được một khoản tiền kha khá so với lúc bấy giờ. Ông bảo, đó là một trải nghiệm đáng quý, giúp ta nhận ra rằng có những thứ rác thải bỏ đi, tưởng chừng vô dụng nhưng lại vô cùng giá trị nếu như chúng ta biết sáng tạo và sử dụng nó vào mục đích mới.
Sự sáng tạo đó phát triển không ngừng, với những yêu cầu luôn được đặt ra đòi hỏi sự mới mẻ và khác biệt. Ngay khi dòng gốm trang trí khảm trai, ốc, vỏ trứng,… đã bão hòa thì Quang "gốm" đã sáng tạo và thiết kế ra dòng gốm sơn mài, hay nói cách khác thì họa sĩ Nguyễn Như Quang chính là cha đẻ của gốm sơn mài. Ông không chỉ giỏi về gốm, mà còn dùng tài năng hội họa của mình để sáng tạo những bức tranh sơn mài trên những bình gốm. Tranh sơn mài trên bình gốm không còn là sản phẩm trang trí đơn thuần, mà ông đã nâng chúng lên thành tác phẩm nghệ thuật.
Sự mới lạ và độc đáo của bình gốm sơn mài đã thu hút rất nhiều khách hàng lớn ở các nước trên thế giới, họ tìm đến ông để đặt những đơn hàng lớn. Một lần nữa Quang "gốm" lại đi đầu trong sáng tạo sản phẩm, tạo nên một trào lưu mới tại làng gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, muốn có những bình gốm sơn mài đắc địa thì phải có chuyên môn sâu về nghề, kỹ thuật khéo léo, biết đưa hồn mình vào các tác phẩm, sự sáng tạo không lặp lại, cao tay trong sử dụng màu sắc và sự am hiểu sâu về mỹ thuật. Với tài năng, đam mê, sự miệt mài làm việc không mệt mỏi, chính Quang "gốm" là người tạo nên điểm sáng cho ngành gốm Việt Nam, đưa nó vươn xa và chạm tới tầm toàn cầu.
Điều tôi ấn tượng và cứ ghi nhớ mãi về họa sĩ Nguyễn Như Quang sau buổi gặp mặt ngày hôm đó chính là sự bình dị và yên bình mà ông mang tới. Dù đã gần bước sang tuổi 70 nhưng ông vẫn giữ cho mình nét trẻ trung và hứng khởi, có lẽ chính là do ông đã sống với tâm hồn của một người họa sĩ, tâm hồn của nghệ thuật, và quan trọng là ông luôn giữ cho mình một cái tâm tĩnh.
Chưa cần nhắc tới các tác phẩm nghệ thuật của ông, chỉ cần đặt chân vào Quang Ceramic Art Space thôi là nhiều người chắc chắn phải “ngả mũ" thán phục bởi sự bài trí, sắp đặt và không gian nơi đây. Bản thân Quang Ceramic Art Space đã “khoe” ra được phần nào về phong cách nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Như Quang. Khi chiêm ngưỡng những mẫu gốm, tranh sơn mài, nói đơn giản thì chúng bình dị nhưng đặc sắc. Và đó là minh chứng cho sự thành công của Quang gốm bây giờ.
Là một họa sĩ có tiếng trong nghề, nhưng không vì thế mà Quang "gốm" chỉ biết tập trung vào nâng cao các tác phẩm của riêng mình. Ông luôn trân trọng và thưởng thức các tác phẩm của họa sĩ khác, thậm chí ông sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để mua lại các bức tranh của người khác, bởi ông cho rằng mỗi họa sĩ đều có các góc nhìn, sự cảm nhận về cuộc sống khác nhau, do đó tác phẩm của họ có thể mang đến sự mới mẻ, và cảm xúc mới cho ông. Không chỉ vậy, ông mua cả những bức tranh của những họa sĩ chưa có tên tuổi, vì khi nhìn vào bức tranh ông không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp mà còn nhìn ra tiềm năng của người họa sĩ đó.
Quang "gốm" đã sống một cuộc sống mà với rất nhiều người thì chỉ có thể gọi đó là ước mơ. Ông sống trong đam mê sáng tạo trên gốm và tranh, biết đưa cái đam mê ấy vươn ra thế giới, không chỉ biến đam mê trở thành niềm vui, sự an ủi và hạnh phúc cho cuộc đời mình, mà còn chia sẻ để cùng đem đến thành công cho nhiều người làm nghề tại làng gốm Bát Tràng.