Tính đến ngày 18/11, cả nước có 23.476 đồng bào tử vong, cán bộ chiến sỹ hy sinh trong đại dịch Covid-19, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã có tới 17.347 người.
Lễ tưởng niệm là hoạt động nhân vănLúc 20 giờ tối nay 19/11, tại TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sỹ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Trước sự kiện này, nhiều người dân đã bày tỏ cảm nghĩ của mình.
Ngay từ sáng 19/11, UBND quận 6, TP Hồ Chí Minh đã dựng sân khấu cùng cả nước làm Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19. |
|
Bà Phan Thị Hải Ninh (SN 1980), bộc bạch: “Gia đình tôi có 6 người là F0 trong cao điểm của cơn bão Covid-19, lúc đó cả nhà ai cũng lo lắng. Cả gia đình tôi may mắn vượt qua đại dịch, không ai tử vong. Hiện sức khỏe đã bình phục, điều này là nhờ có sự quan tâm, động viên của tất cả anh chị em trong gia đình, nhờ sự hỗ trợ của anh chị em đồng nghiệp, bà con khu phố.
Tôi thực sự rất biết ơn và xin gửi lời chia sẻ, cảm thông tới những gia đình có người thân tử vong vì Covid-19. Cảm ơn những gia đình, những người mẹ, người vợ, người chồng…, đã đứng đằng sau những chiến sĩ, y bác sĩ, ủng hộ họ dấn thân đi vào tâm dịch để làm nhiệm vụ và nhiều người đã ra đi mãi mãi.
Việc TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là điều rất trân quý. Lễ tưởng niệm sẽ làm vơi đi phần nào những nỗi đau, mất mát đối với người ở lại, là lúc để nhìn lại những đau thương của dịch bệnh. Cuộc sống vô thường, do đó hãy trân quý khi còn được ở bên cạnh người thân, bởi có thể một phút sau, giờ sau, ngày sau hay tuần sau... mình không may nếu mắc Covid-19”.
Bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1978, tổ trưởng dân phố 18, phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh), cũng từng mắc Covid-19, nhưng đã khỏi bệnh, nói: “Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là hoạt động hết sức có ý nghĩa, nhân văn, được tổ chức đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch và đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân Thành phố. Việc tổ chức Lễ tưởng niệm thể hiện sự chia sẻ, động viên của chính quyền thành phố đối với người dân. Đây cũng là động lực để mỗi người dân chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, chúng ta cố gắng tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, người dân chấp hành quy tắc 5K để giảm thiều sự lây lan trong cộng đồng''.
Cũng theo bà Hằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng trải qua đại dịch Covid-19 hết sức kinh khủng, chưa có tiền lệ, chỉ riêng Thành phố đã có hơn 17 nghìn người tử vong vì Covid-19, là mất mát lớn và là nỗi đau khó phai trong từng gia đình. Thành phố phải thực hiện giãn cách hơn 3 tháng, mọi hoạt động ngưng trệ; quá nhiều mất mát, đau thương xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều gia đình bị nhiễm Covid-19, mất đi một lúc vài người thân trong cùng một thời điểm, nhưng không thể thực hiện các nghi thức tiễn đưa. Tất cả đều nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và lực lượng quân đội. Thành phố đã cố gắng nỗ lực hết sức mình trong điều kiện vô cùng khó khăn để chăm lo cho người dân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng.
Những mất mát không thể nào quên
Một F0 khác là anh Phạm Chí Lộc (SN 1991, nhân viên Tập đoàn Vàng bạc - Đá quý Doji), cho biết: “Tôi may mắn được chữa trị trong bệnh viện và khỏi bệnh, sau đó quay lại cuộc sống bình thường. Tôi đồng cảm sâu sắc với những gia đình có người thân mất trong đại dịch Covid-19, mất mát này không có gì có thể bù đắp được. Hôm nay, Thành phố tổ chức Lễ tưởng niệm là cách mà chúng ta cùng nhau chia sẻ sự mất mát đó. Mong rằng sau khi trải qua cơn đại dịch, người thân của các nạn nhân tử vong vì Covid-19 sẽ nguôi ngoai, có cuộc sống tốt hơn sau này, các trẻ em mồ côi vì dịch sẽ được chăm lo tốt hơn, để được lớn lên một cách bình thường và an lành. Lễ tưởng niệm hôm nay là học bài học của ngày hôm qua để để sống tiếp ngày mai an toàn hơn”.
Không may mắn như những trường hợp ở trên, bà Nguyễn Thị Vễ (SN 1966, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã cướp đi của gia đình tôi hai người thân, là em trai Nguyễn Thành V (SN 1970) và cha tôi. Trước khi nhiễm Covid-19, hàng ngày em còn sang nhà uống cà phê với cha. Đầu tháng 8/2021, khi phát hiện nhiễm bệnh, em tôi được đưa đi cách ly tập trung để chữa trị. Khi không thấy con mình sang nhà như mỗi ngày, cha tôi hỏi nhưng tất cả anh chị em trong gia đình đều giấu. Đến ngày 14/8, em tôi mất vì Covid-19, chúng tôi chỉ dám thì thầm với nhau. Hai ngày sau, khi biết được tin đau lòng, cha tôi bị sốc rồi lên cơn đau tim qua đời vào 3 giờ sáng ngày 16/8”.
Bà Vễ nghẹn ngào kể tiếp: “Sau khi cha tôi mất, tôi phát hiện mình cũng bị nhiễm Covid-19 nhưng không biết lây từ đâu. TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ, tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc làm có ý nghĩa, xoa dịu phần nào nỗi đau, mất mát cho gia đình…”.
Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, cả nước có 1.060.394 ca Covid-19, trong đó có 878.776 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, có 23.476 đồng bào, cán bộ chiến sỹ, tử vong, hy sinh trong đại dịch. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh có 452.722 ca, tỉnh Bình Dương 246.007 ca, Đồng Nai 80.489 ca, Long An 37.007 ca và Tiền Giang là 23.099 ca… |