Quê hương của cây măng tây có nguồn gốc từ châu Âu, là món ăn quen thuộc của người Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và nhiều quốc gia khác của lục địa già.
Nông Thị Thêu bên vườn măng tây ở xã Trấn Dương, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Quê hương của cây măng tây có nguồn gốc từ châu Âu, là món ăn quen thuộc của người Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và nhiều quốc gia khác của lục địa già. Nó chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khoảng trên dưới 10 năm nay. Người Việt thường gọi “măng tây”, nghĩa là măng của người tây, cho đỡ dài dòng. Măng tây có loại màu tím, loại màu trắng và loại màu xanh. Ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mới ươm trồng loại măng tây xanh. Những ngày đầu mới xuất hiện ở nước ta nhiều người còn có thái độ thăm dò, nhưng khi ăn những ngọn măng tây trong nồi lẩu gà, lẩu bò, kể cả lẩu tổng hợp có cả tôm, cá, cua… người ta đều thấy ngon, người sành ăn còn cảm nhận được những dưỡng chất của nó thấm vào đầu lưỡi, thấm sâu trong dạ dày. Nhưng măng tây đâu chỉ ngon trong món lẩu; xào với thịt bò, thậm chí luộc chấm với nước mắm tỏi cũng rất ngon. Phần gốc của nó thái nhỏ, sấy khô, trở thành món trà, cho vào ấm pha nước sôi uống hàng ngày chữa rất nhiều bệnh, tác dụng dễ cảm nhận nhất là điều tiết sự cân bằng của hệ thần kinh.
Tuy nhiên mỗi loại măng tây lại có những dưỡng chất và hương vị khác nhau. Măng trắng thân mềm hơn, có mùi vị nhẹ và ít chất xơ hơn măng xanh. Măng tím giống măng trắng nhưng có vị ngọt hơn măng trắng và măng xanh. Nhưng cả ba đều là loại rau xanh chứa nhiều dưỡng chất, mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và có thể được chế biến bằng nhiều cách khác nhau.
Măng tây, chứa nhiều dưỡng chất, mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe.
Vì muốn tìm hiểu sâu về cây măng tây mà tôi quen Nông Thị Thêu, một phụ nữ dân tộc Tày. Thêu sinh ở thị trấn Phố Ràng, huyện Việt Yên, thành phố Lào Cai. Thuở Thêu còn nhỏ thị trấn cô ở vẫn thuộc diện “vùng sâu - vùng xa”, nghèo lắm. Thêu chỉ học dở phổ thông, chưa dám mơ tới cổng trường đại học nào. Thêu chăm lao động, lại có phẩm chất của một con người khao khát vươn lên thoát nghèo. Bắt đầu từ năm 2016, Thêu rời quê thị trấn Phố Ràng về Hà Nội thuê nhà ở phố Lý Nam Đế, rồi sau chuyển sang phố Hồng Hà ven sông Hồng cho gần chợ đầu mối Long Biên. Vừa chăm đứa con gái học năm thứ nhất đại học, Thêu vừa nhận giải quyết đầu ra cho một số cơ sở trồng măng tây ở Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc chở về chợ đầu mối. Đây là những ngày tháng Thêu vừa nghiên cứu trên tư liệu vừa xuống tận ruộng để học hỏi về cây măng tây. Năm 2018, khi đã có đủ tự tin, nhờ người mai mối, Thêu về làng La Xuyên, huyện Ý Yên, Nam Định thuê đất, thuê người, còn mình thì làm bà chủ trồng măng tây. Nhưng Thêu đã thất bại ngay từ những bước đi đầu tiên. Làng La Xuyên có nghề mộc và nghề đúc đồng nổi tiếng, đồng ruộng bị bỏ hoang lâu năm, hệ thống kênh mương bị nhiễm độc từ chất thải của làng nghề, rất khó khăn tốn kém trong việc cải tạo thành một trang trại trồng măng. Thêu sang Thái Bình lại gặp những trắc trở khác. Cuối năm 2016, Thêu đã chọn cánh đồng thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng để đầu tư. Thêu thuê 5 ha đất ruộng của hơn 20 hộ dân với giá 700.000 đồng/sào/năm. Cánh đồng này sát với sông Vĩnh Lợi, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu. Nước từ sông chảy vào kênh mương, từ kênh mương thiết kế hệ thống bơm và tưới bằng đường ống hiện đại, tốn rất ít công lao động. Thêu mời anh Chu Văn Hưng (quê huyện An Lão - Hải Phòng, người đã từng cộng tác với Thêu, nếm trải cả những thành công cũng như thất bại về cây măng tây với Thêu) làm giám đốc sản xuất và kỹ thuật, còn Thêu lo giải quyết đầu ra ở Hà Nội. Họ lại được ông Vũ Duy Tích giám đốc hợp tác xã và anh Phạm Tuất trưởng thôn Trấn Dương cùng bà con có ruộng cho thuê hết lòng ủng hộ nên khá thuận lợi mọi việc.
Chọn một ngày xuân thời tiết rất nhuần hòa, tôi cùng Nông Thị Thêu và mấy người bạn đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm trang trại măng tây của Thêu. Đến nơi, đứng ngắm cánh đồng măng tây xanh mướt mát tôi cảm thấy tâm hồn mình thư thái, nhẽ nhõm hẳn. Tiếp xúc với giám đốc kỹ thuật Chu Văn Hưng, giám đốc hợp tác xã Trấn Dương, Vũ Duy Tích và một số anh chị em làm việc ở đây tôi mới biết, để trồng được những cây măng tây ngon, nhiều dinh dưỡng thì không hề nhàn hạ chút nào. Có rất nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng măng tây mà trong một bài viết ngắn tôi không thể nêu hết ra được. Nhưng có thể vắn tắt rằng quan trọng bậc nhất có ba khâu: cải tạo đất - làm đất, nước tưới và phân bón. Thêu chủ trương xây dựng một trang trại măng tây sạch nên rất hạn chế bón phân vô cơ. Nghĩa là chủ yếu bón phân hữu cơ. Ngoài phân chuồng, phân vi sinh thì ở địa bàn này có một thứ phân cao cấp, có trong thiên nhiên, rất phù hợp cho cây măng tây tạo giá trị dinh dưỡng cao, đó là nước ngâm cá. Vì thế một trong những yếu tố quan trọng khiến Thêu và đồng nghiệp quyết định chọn cánh đồng Trấn Dương để đầu tư là bởi ở đây nguồn cá tôm tự nhiên còn khá nhiều. Trong khi đại đa số những cánh đồng của đồng bằng châu thổ sông Hồng nguồn thủy sản đã bị cạn kiệt do thuốc trừ sâu, hóa chất và thái độ săn bắt có tính hủy diệt của con người thì lạ thay, trong những sông ngòi, kênh mương, đầm bãi của Trấn Dương còn khá nhiều. Hàng ngày người dân đánh bắt được họ chỉ lựa những thứ ngon như cá trắm, cá chép, cá chuối, cá trê, tôm trứng, rạm…để ăn. Còn như rô phi, diếc, lẹp, tôm chà, tép, ốc… họ gánh đến bán cho trang trại măng tây. Ngày ít thì một hai yến. Ngày nhiều vài ba tạ. Có ngày gạn kênh mương họ phải dùng xe ba gác chở đến hàng tấn. Cá biển ở vùng này cũng sẵn. Cá biển ngâm vào một loại thùng, cá đồng ngâm vào một loại thùng khác. Khi tưới cho măng tây cứ một xô nước cá biển trộn với 4 xô cá đồng, rồi đưa vào hệ thống tưới. Măng tây được tưới bằng nước cá lớn nhanh, thân măng mập mạp, nhiều dinh dưỡng, ăn rất đậm.
Thêu về thuê đất Trấn Dương từ cuối năm 2018. Suốt bốn tháng triển khai hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, cải tạo đất và nhiều khâu khác nữa. Tháng 3 năm 2019 bắt đầu xuống giống. Tháng 11 năm 2019 đã thu hoạch những mầm măng đầu tiên. Bây giờ thì Nông Thị Thêu còn thuê cả một căn nhà ở số 6 Phan Đình Phùng, Hà Nội để bán và phân phối sản phẩm măng tây đến với người tiêu dùng Hà Nội. Mừng cho Thêu, một người phụ nữ vùng cao thông minh và chăm chỉ.