Từ đó cậu bé và cây sáo trúc như hai người bạn tâm giao. Cậu say mê tiếng sáo đến kỳ lạ, nhưng vẫn chưa bằng lòng với cây sáo trúc của người chiến sĩ ấy tặng, cậu đã tự tay làm những cây sáo mới khác, kích thước khác nhau. Mỗi khi thổi, tiếng sáo của cậu nghe du dương dạt dào, lúc thanh cao, lúc trầm lắng, lúc vui, lúc buồn đã thực sự làm xao xuyến lòng người. Các cụ trong làng còn nói: Hễ cậu bé này thổi sáo thì con trâu đi qua cũng phải nghiêng sừng vểnh tai nghe…
Năm 1967 ông được đi học Trường trung cấp Lý luận và nghiệp vụ Văn hóa của Bộ Văn hóa, khoa Văn hóa quần chúng. Lúc đó đang trong thời kỳ chiến tranh sơ tán về huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Trường này sau đổi là Trường Đại học Văn hóa. Trong khóa học có rất nhiều loại nhạc cụ nhưng ông chọn học sáo vì sẵn có lòng đam mê cùng với ý nghĩ là loại nhạc cụ này nhẹ nhàng, không phải đầu tư nhiều người chơi lại có thể tự làm ra nhiều loại tiêu sáo khác nhau và đây là loại nhạc cụ dễ phổ cập ai cũng có thể học và chơi được.
Tốt nghiệp năm 1970 ông được phân công lên Tây Bắc và công tác tại Ty Văn hóa Sơn La. Sau đó ông chuyển về làm cán bộ văn hóa huyện Sông Mã nơi ông được tự tay đi tìm các loại tre, trúc, nứa về làm sáo, tiêu và các loại đàn mà ông yêu thích. Gần 50 năm say mê sáo trúc và gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, ông đã chế tạo ra rất nhiều loại nhạc khí bằng tre trúc như tiêu sáo từ 6 lỗ đến 10 lỗ, rồi T’rưng mi ni, đàn T’rưng 3 giàn, đàn Klong Pút,… độc đáo nhất là cây đàn P’ Rông còn gọi là Piano bằng tre nứa (P là chữ viết tắt của Piano, Rông là nhà Rông).
Đây là một sự kết hợp đặc biệt vì nó có hình thù như một mái nhà Rông của người Tây Nguyên. Đàn P’rông được mô phỏng theo nguyên lý “cần cối giã gạo” như ông nói, các phím tương tự như phím đàn Piano, nhưng cách chơi đàn thì không lướt như Piano mà phải dùng tay nhấn và rung cho đủ cường độ của các nốt nhạc. Đàn P’rông chơi được rất nhiều bản nhạc, nhưng hay nhất vẫn là các bản nhạc mang âm hưởng của núi rừng.
Ông không nhớ hết mình có bao nhiêu trò, mở bao nhiêu lớp học tiêu, sáo, học đàn miễn phí. Học trò của ông từ các cháu bé 5 tuổi đến các bô lão tuổi 70 – 80. Có những người chưa từng biết đọc nốt nhạc, chưa biết cách cầm cây sáo, lại cũng có những thầy cô giáo dạy nhạc ở các trường phổ thông hay các thầy các cô đang giảng dạy môn sáo trúc tại các trường Văn hóa nghệ thuật của thành phố cũng như ở Trung ương như thầy Bùi Công Thơm, giảng viên môn sáo trong Học viện Âm nhạc Quốc gia, cô Nguyễn Thị Trang - giảng viên môn sáo ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hay Nguyễn Xuân Trung diễn viên sáo Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam…
Đặc biệt còn có cả các nhà tu hành, các nhà nghiên cứu văn hoá nghệ thuật nước ngoài đến học đàn, học sáo của thầy Lê Thái Sơn. Họ học để tìm hiểu sâu hơn về các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam. Hiện, thầy Lê Thái Sơn là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Ngôi nhà của nghệ sĩ Lê Thái Sơn ở phố Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông luôn có tiếng sáo, tiếng đàn… khiến ai đi qua cũng phải nán lại để nghe và thưởng thức vài đoạn trong một bản nhạc mà ông và các học trò đang thả hồn vào đó. Ông dành cả tầng một và tầng hai của ngôi nhà cho lớp học đàn sáo miễn phí và làm xưởng chế tạo nhạc cụ để thỏa lòng đam mê với nguyên liệu chỉ là tre, pheo, trúc, nứa…