Ngày 8/6, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng hàng chục người dân thuộc 3 thôn An Sơn, Lễ Khê, Xuân Khanh, xã Xuân Sơn vẫn ngồi trong lều bạt được dựng trước cổng nhà máy xử lý rác để chặn xe rác. Mùi rác sộc vào mũi rất khó chịu. Bà Phan Thị Hoa, thôn Lễ Khê chia sẻ, người dân chặn xe rác xuất phát từ việc chính quyền chậm chi trả đền bù GPMB và mức đền bù cũng chưa thỏa đáng. Cụ thể, mức đền bù hiện tại cho người dân vùng di dời để mở rộng bãi rác Xuân Sơn là 98.000 đồng/m2 đối với đất không có bìa đỏ (35,2 triệu đồng/sào), 105.000 đồng/m2 đối với đất sản xuất nông nghiệp sử dụng ổn định trước 15/10/1993 (37,8 triệu đồng/sào). “Mức đền bù này quá thấp so với các hộ dân trong cùng dự án thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì là hơn 180 triệu đồng/sào” – bà Hoa chia sẻ.
Dự án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xử lý rác thải Xuân Sơn có tổng diện tích đất bị thu hồi là 837.872m2 với 218 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Đến nay, đã có 201/218 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư với tổng số kinh phí 322 tỷ đồng, còn 17 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Đa số các hộ dân kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 5 lần đơn giá bồi thường đối với đất nông nghiệp sử dụng ổn định từ trước 15/10/1993 như các hộ dân của xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Đồng thời điều chỉnh tăng hạn mức diện tích đất được bồi thường và bồi thường đối với các công trình bể chứa nước theo đơn giá xây dựng mới.
Việc người dân Xuân Sơn chặn xe rác đã gây ảnh hưởng lớn tới lưu thông, vận chuyển rác thải về khu xử lý. Theo quan sát của phóng viên, rác thải hiện vẫn được tập kết ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã Sơn Tây gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Lãnh đạo nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn cho biết, mỗi ngày nhà máy tiếp nhận 150 – 170 xe chở rác, tương đương 1.000 tấn. Như vậy, từ khi người dân dựng lều chặn xe rác đến nay đã có khoảng gần 10.000 tấn rác bị ùn ứ ở các huyện, thị xã hoặc phải chuyển hướng về xử lý ở bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.