Ngõ Phất Lộc
Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Tên ngõ có từ thế kỷ XVIII. Cái tên Phất Lộc nguyên không phải là tên khu vực này mà là tên một làng ở huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Vào thế kỷ XVIII có một người dân làng ấy họ Bùi, đến Thăng long theo học trường Quốc Tử Giám rồi ở luôn tại đây. Năm ông lên Thăng Long là năm 1717. Sau đó người làng cũng theo lên, dần dần thành một ngõ toàn là dân làng Phất Lộc. Do đó mà thành tên ngõ, trong ngõ hiện có ngôi nhà thờ họ Bùi, nay là số nhà 30, được xây từ lâu đời (lần sửa chữa sau cùng là vào năm 1878). Hàng năm con cháu họ Bùi vẫn tới đây giỗ tổ. (Bùi Tú Lĩnh, người soạn văn bia đình Thanh Hà - số 10 phố Ngõ Gạch - là thuộc họ này).
Ngoài ra trong ngõ chỗ số nhà 46A là đền Tiên Hạ, nơi thờ Nguyễn Trung Ngạn. Nay trong đền còn đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1753) và bia ghi việc trùng tu đền năm Tự Đức thứ 19 (1866). Chính nhờ bia này mà biết được địa danh là ngõ Phất Lộc, trên bia có dòng chữ ghi “Tiên Hạ giáp, thuộc Thọ Xương cổ Đông Các phường nhi kim Dũng Thọ thôn”. Nghĩa là: giám Tiên Hạ, vốn xư thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương, nay là thôn Dũng Thọ.
Tại đây, trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến đã là nơi huấn luyện cho 72 tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu I. Và ngõ này đã trụ vững cho tới tận đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra ngoài thành phố (17/2/1947).
Thời Pháp thuộc, đây cũng gọi là ngõ Phất Lộc (ruelle Phất Lộc).