Đất phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.
Nay thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.
Trong ngõ có chùa Liên Phái còn gọi là Liên Môn tự, một di tích nổi tiếng của Hà Nội cũ, vì có nhiều ngọn tháp đẹp, di tích đã được xếp hạng năm 1962.
Chùa này do Trịnh Hợp (có sách chép là Thập) dựng vào năm 1726 trên ngay chính khu dinh thự của mình. Trịnh Hợp là em ruột chúa Trịnh Cương, đồng thời là con rể của vua Lê Hi Tông (1676 - 1705). Ban đầu chùa có tên là Liên Tông. Đến thời Thiệu Trị (1841 - 1847) vì tránh huý mới đổi ra là Liên Phái. Chùa đã qua nhiều lần tu sửa, quy mô nay là do lần tu sửa năm 1859. Trong chùa có một pho tượng Thích Ca khá đồ sộ là có giá trị về mặt nghệ thuật tạo hình. Ngoài ra còn có tấm bia khắc đời Tự Đức (1848 - 1883) ghi lại sự tích dựng chùa. Chùa Liên nổi tiếng chính là những ngọn tháp ở xung quanh. Cổ kính nhất là tháp Cứu Sinh xây bằng đá xanh, tương truyền là nơi ký táng hài cốt của Trịnh Hợp là vị sư tổ thứ nhất của chùa (Trịnh Hợp tuy là vương tử và là phò mã nhưng lại sớm có tư tưởng thoát tục, mới hai mươi tuổi đã cắt tóc đi tu, tìm đến tận chùa Yên Tử để học đạo với thiền sư Châu Nguyên ròi trở về tu tại đây).
Tháp Cứu Sinh hình vuông, có bốn tầng, xây trên một cái gò đất cao ở sau chùa. Nhưng về phương diện mỹ thuật thì ngọn tháp đẹp nhất phải là tháp Diệu Quang ngay ở cổng chùa, hình lục lăng cao 10 tầng, dựng khoảng thế kỷ XIX trong đó là hài cốt đã hỏa thiêu của sư Diệu Quang.