Trải qua thăng trầm cuộc đời, tôi rút ra được cách đo lòng tốt của một con người bằng hai phép thử. Thứ nhất là lúc ta đang khó khăn nhất, cô đơn nhất, buồn nhất ai đến với mình? Thứ hai là lúc ta túng thiếu nhất ai sẽ giúp đỡ? Với nhạc sĩ Phó Đức Phương cả hai phép thử đều cho nghiệm: TỬ TẾ
Niềm vui rạng rỡ của nhạc sĩ Phó Đức Phương bên khán giả tại đêm nhạc của ông cách đây 4 nằm. Ảnh: IT “Giấy thông hành”: Những cô gái quan họ
Nói đến nhạc sĩ Phó Đức Phương dường như ai cũng biết, từ người già đến con trẻ chí ít cũng thuộc một vài ca khúc của ông để ngâm nga ở bất cứ chỗ nào khi thấy “sướng’’. Một nhạc sĩ để lại cho đời một tác phẩm đã là “oách” lắm rồi và là niềm mơ ước của mỗi người trong giới sáng tác âm nhạc. Vậy mà, Phó Đức Phương có cả chùm ca khúc để đời thì “oách” đến cỡ nào. Đấy là, những: “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Về quê”, “Không thể và có thể”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Chảy đi sông ơi”, “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, “Vũ khúc con cò” “Con sông tuổi thơ”, “Nha Trang thu”... Có thể thấy, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã thực sự sống trong lòng công chúng yêu nhạc Việt cả trong nước và quốc tế. Với tấm lòng của mình, tôi chỉ viết một phần rất nhỏ nhoi về cuộc đời ông - một Phó Đức Phương tử tế cả về tài năng, tâm huyết, khiêm nhường và hồn nhiên.
Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1962, ông vào học khoa toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì đam mê âm nhạc, hết năm thứ hai, ông bỏ học đi làm công nhân lâm trường tại Hòa Bình để ôn luyện thi vào Nhạc viện Hà Nội. Ước mơ của ông đã được thực hiện và sau khi tốt nghiệp ông trở thành một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương viết tác phẩm đầu tay ngay từ khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Đó là ca khúc “Những cô gái quan họ” được chàng sinh viên Phó Đức Phương viết trong lần sơ tán về Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Bài hát được công chúng yêu nhạc đón nhận và cũng là “giấy thông hành” để tên tuổi Phó Đức Phương ngày càng được khẳng định trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình.
Cách “giới thiệu” tác phẩm mới của ông khá thú vị. Có tác phẩm mới là ông “đập bàn” gõ nhịp cho bạn nghe một cách hào hứng khó mà rứt ra được. Ông học, đọc, nhớ, thuộc rất nhiều sách kim, cổ, Đông, Tây từ Tôn tử, Lão tử, Khổng tử đến triết học cổ Hy Lạp, triết học phương Tây. Do vậy trong tác phẩm của ông, đâu đó ta vẫn nhận ra tính triết lý uyên thâm của Ông; Đặc biệt vốn từ về tục ngữ ca dao Việt Nam các vùng miền như một ‘’bảo tàng‘’ sống. Đây là thế mạnh của ông khi giai điệu rất dân gian, giao thoa trong lời ca gần gũi đời thường mà ai cũng thích. Nó cũng là “bản mặt” của Phó Đức Phương trong âm nhạc, chỉ cần nghe một hai câu là nhận ra Phó Đức Phương ngay. Điều này rất cần với mỗi nhạc sĩ sáng tác mà giới chuyên môn gọi là cá tính.
“Mẫu số” tử tế
Nói đến nhạc sĩ Phó Đức Phương, hầu hết bạn bè, đồng nghiệp... hiểu ông đều có một nhận định chung: Ông là người tử tế - tử tế từ suy nghĩ đến hành động; tử tế với chính ông và đồng nghiệp bạn bè. Tôi có hạnh phúc là được làm việc, cộng tác và ngao du cùng ông trong nhiều lần tham gia các trại sáng tác âm nhạc. Ông rất nghiêm túc trong công việc, làm đến cùng và cháy hết mình. Do vậy, ông đã để lại một bộ sưu tập các ca khúc vô giá cho đất nước, hôm nay và mai sau.
So với nhiều nhạc sĩ khác, số lượng tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương không nhiều. Vậy nhưng, giá trị của những tác phẩm ấy đã để lại cho công chúng yêu nhạc và nền âm nhạc Việt thì rất lớn. Bởi chân dung nhạc sĩ được khẳng định bằng chất lượng tác phẩm chứ đâu phải số lượng hàng trăm, hàng nghìn ca khúc. Đã thế, nhiệt huyết và trách nhiệm với ông không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mà cả trong công tác quản lý. Bởi ông đã trải qua 17 năm làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, từ lúc bàn tay trắng chưa có gì về pháp lý và kinh nghiệm. Vậy mà sau gần 20 năm, đến khi giao lại trọng trách cho thế hệ sau, vị giám đốc “vác tù và hàng tổng” này đã liên tiếp giúp các nhạc sĩ cả về quyền lợi kinh tế và danh dự. Chúng tôi ví ông như người đi khai phá cày xới, vun trồng mảnh đất hoang “quyền tác giả âm nhạc’’ ngày càng xanh tốt… Công sức của ông đã được đền đáp bằng tình yêu, sự trân trọng của giới nhạc sĩ sáng tác.
Từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ gần 80 xuân xanh, Phó Đức Phương vẫn giữ nguyên chất mộc mạc, chân thành, điềm đạm, khiêm nhường và hồn nhiên. Ông cũng ít gặp sự đố kỵ nhỏ nhen. Chưa bao giờ tôi thấy Phó Đức Phương khoe khoang tác phẩm của mình.
Phó Đức Phương cũng chẳng giàu có gì lắm khi là một nhạc sĩ sáng tác nhạc chính thống. Cũng phải mở ngoặc thêm, nhạc sĩ sáng tác nhạc chính thống đa số là nghèo, nhưng tác phẩm của họ sống lâu; còn nhạc sĩ thị trường có thể giàu, nhưng tác phẩm chỉ sống một thời gian rồi bị lãng quên. Mấy chục năm qua gia đình nhạc sĩ vẫn ở một căn hộ nhỏ tại ngõ Văn Hương, Khâm Thiên. Cách đây vài năm ông chuyển về sống tại đường Âu Cơ, quận Tây Hồ. Ngôi nhà này là cơ duyên bạn bè bắt ông phải nhận, phải ở. Lý do: Cách đây khoảng 30 năm, bạn của ông ở Sóc Sơn làm ăn bị phá sản, phải thế chấp ngôi nhà cho ngân hàng, lại bị bệnh nặng đến nhờ Phó Đức Phương giúp đỡ. Thương bạn, thế là bao nhiêu tiền tích góp, thậm chí ông còn bán một số tài sản quý giá để cứu bạn. Ông cũng không hề tính toán mà cứ hồn nhiên... hẹn bạn bao giờ bạn có vốn thì trả. Sau 30 năm, ông bạn đã khỏe mạnh, làm ăn khá lên nên quyết định ‘’tặng‘’ ngôi nhà ở đường Âu Cơ cho Phó Đức Phương. Chả thế mà Phó Đức Phương vẫn tưng tửng nói hồn nhiên “nhà của bạn mình đấy, mình trông hộ”.
Viết về Phó Đức Phương để ngợi ca ông - một người nhạc sĩ tài hoa được khán giả mến mộ, có lẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể kể hết được. Mà gần đây nhất là đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” đã được gia đình và bạn bè, người hâm mộ cùng chung tay tổ chức. Đấy là đêm nhạc tôn vinh nhạc Phó Đức Phương và cũng là để nguyện cầu ông sớm vượt qua bệnh hiểm nghèo, sớm khỏe trở lại để tiếp tục sáng tác và dành tình yêu cho các “BẠN MÌNH”.