1. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lan Hương sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông bà ngoại chị đều làm việc trong ngành Điện ảnh. Bác ruột chị là nhà quay phim, đạo diễn Lưu Xuân Thư (nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương). Bác dâu chị cũng là diễn viên, sau đó chuyển sang học hóa trang và thuộc thế hệ hóa trang đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam. Đến “ngay cả nơi sống cũng đậm đà không khí điện ảnh”, như lời chị tiết lộ, nên Lan Hương bảo việc chị gắn bó với nghệ thuật diễn ra tự nhiên như cái lá mọc trên cành cây vậy.
Chị tâm sự: “Bố mẹ đi học ở nước ngoài, tôi ở với ông bà ngoại và hai bác ở khu tập thể 72 Hoàng Hoa Thám - khu tập thể Xưởng phim. Sống bên cạnh nhà bác Thúy An, Thúy Ái, Bích Hồng, cô Bích Ngọc, Trà Giang, Mai Châu, chú Trần Phương..., bọn trẻ chúng tôi được mặc định nếu không theo điện ảnh thì sẽ làm diễn viên múa, hoặc diễn viên kịch, diễn viên xiếc. Mà giả dụ không có năng khiếu để theo nghề đó thì đi học hóa trang, học dựng phim... Tóm lại, kiểu gì cũng liên quan đến điện ảnh vì chuyện đó dường như đã thành “truyền thống” của cả khu rồi. Thêm nữa, ở thời điểm đó, được làm việc liên quan đến nghệ thuật là điều gì đó cực kỳ hãnh diện, tự hào, cho nên trong đầu mọi người không bao giờ có ý nghĩ làm việc gì khác”.
Lan Hương bén duyên với nghề diễn từ khi còn nhỏ, qua những lần được các nghệ sĩ gạo cội như Thúy An, Thúy Ái “lôi” đi diễn cùng ở Nhà hát Kịch Hà Nội với các vai phụ thiếu nhi mà như chị tếu táo: “Đứa nào cũng muốn đi vì sẽ được ăn kem. Chỉ cần chạy ra sân khấu nói 1, 2 câu là xong, sau đó nhận thù lao mỗi đứa 1, 2 cây kem nên bọn mình hăng hái lắm”. Thể trạng yếu ngay từ lúc mới lọt lòng, phải kiêng khem đủ thứ, cô bé Lan Hương không được thỏa sức chạy nhảy vui đùa như chúng bạn nhưng nhờ “ngồi bậu cửa”, “mặt thừ ra” mà cô bé ấy có thể quan sát, cảm nhận và ghim vào ký ức những kỷ niệm, những gương mặt ở khu nhà lá thân thương nằm trong Khu tập thể Xưởng phim.
Gần 10 tuổi, Lan Hương chuyển về sống với bố mẹ ở Kim Liên. Lúc này, “nếu không căng dây ra làm xiếc thì tôi cũng lấy cái chai đặt miếng ván lên đứng lăn lăn tập cân bằng, hoặc nhún nhảy tập múa...". Ngày nào Lan Hương cũng khiến mẹ "chóng mặt đau đầu" vì mấy trò này. Học hành thì chẳng đâu vào đâu, lúc nào cũng chỉ có ý định đi làm phim. Mẹ chị vốn không mặn mà lắm với việc để cô con gái bé bỏng yếu ớt theo nghề gia đình. “Trong nhà, chỉ có mẹ tôi là rẽ ngang sang ngạch khác khi bà thi đỗ và theo học Trường Đại học Bách khoa. Mẹ tôi mê nghệ thuật nhưng lại có quan điểm rằng đã học điện ảnh, học múa... là phải sang Nga học mới "ra tấm ra món", còn không thì thôi. Tôi biết, mẹ ngăn cấm là bởi bà nghe bạn bè khuyên nhà có nhiều người làm nghệ thuật rồi nên cho con theo ngành khác”, chị nhớ lại.
Vai diễn Ngọc Hà trong “Em bé Hà Nội” đến với Lan Hương từ ấn tượng của đạo diễn Hải Ninh khi ông nhớ đến đôi mắt đen buồn rười rượi của con bé gầy gò, chẳng nói chẳng rằng hay ngồi trước cửa nhà năm nào. Khi bộ phim được lên kế hoạch sản xuất, đạo diễn Hải Ninh lập tức tìm đến nhà động viên gia đình cho chị đi thử vai. Lan Hương kể: “Tất nhiên là mẹ tôi từ chối. Bác Hải Ninh thuyết phục cứ cho tôi đi thử, vì có cả trăm bạn khác cùng thử vai này. Mẹ tôi nghĩ đông thế chắc gì con mình đã được, nên đồng ý. Nhưng khi có kết quả thì bà lại không muốn cho tôi đi. Nhì nhằng mất 1 - 2 tháng, đến mức Chủ tịch Ủy ban thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng phải viết bức thư, nhấn mạnh đây là bộ phim kỷ niệm những ngày tháng oanh liệt, đau thương của Hà Nội nên xin gia đình cho cháu tham gia. Bố tôi vốn là quân nhân nên ông đồng ý ngay. Còn mẹ thì dù thương con không có đủ sức khỏe nhưng cũng ngại mang tiếng là quay lưng với truyền thống gia đình nên dần dà việc ngăn cấm cũng kém phần quyết liệt và cuối cùng cũng đồng ý cho đi. Sau phim đó coi như đóng đinh, chỉ làm nghệ thuật chứ chả làm gì khác”.
2. Sau “Em bé Hà Nội”, Lan Hương xuất hiện trong “Mối tình đầu” (vai Út Hạnh) và đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ. Dưới sự dìu dắt của NSND Hà Nhân và NSND Phạm Thị Thành, chị cùng các đồng nghiệp Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng... thuộc lứa diễn viên khóa 1 được đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ, tỏa sáng trên sân khấu Nhà hát suốt những năm 1980 với những vở diễn ăn khách như “Vua Lia”, “Những con hươu xanh”, “Mùa hạ cay đắng”, “Bến bờ xa lắc”, “Giấc mơ hạnh phúc”, “Mùa hạ cuối cùng”...
Chuyên tâm với công việc ở Nhà hát, Lan Hương ngừng đóng phim. Năm 2000, chị được giao nhiệm vụ phát triển loại hình kịch mới cho Nhà hát - kịch hình thể. Dành thời gian 5 năm đi học đạo diễn và lập Đoàn kịch hình thể vào năm 2005, Lan Hương trở lại với màn ảnh vào năm 2007 với bộ phim “Trăng nơi đất khách”. Trong lĩnh vực phim truyền hình, NSND Lan Hương gây ấn tượng với khán giả trong “Những người sống quanh tôi” (1995), “Thái sư Trần Thủ Độ” (2008). Bộ phim gần đây nhất mà chị tham gia là “Ngược chiều nước mắt”.
3. Trò chuyện với tôi, NSND Lan Hương "khoe" mình dạo này “cũng tập tành viết kịch bản”. “Nghề nào rồi cũng đến lúc nghỉ”, chị nói với tôi như vậy. “Bạn hỏi tôi có thấy nghề này bạc không ư? - Không chỉ nghệ thuật, nghề nào cũng có điểm lên điểm xuống về sự nghiệp và danh tiếng. Ai cũng chỉ rực rỡ một thời nhưng không ai được phép quên những lớp nghệ sĩ hàng đầu của ngành Điện ảnh Việt Nam. Vì thế, chúng ta hãy nhìn mỗi thế hệ ở khoảng thời gian tương ứng chứ đừng nhìn ở thời điểm họ không còn làm nghề nữa. Còn nhiều người nghĩ nghề này bạc là vì sự tung hô làm cho người ta giống như con diều bay lên trong hưng phấn, đến khi không còn được tung hô nữa thì cảm thấy bị bỏ rơi”.
Cứ điềm đạm thế, chị bước qua bao giông bão cuộc đời, lấy chồng sớm, ly hôn rồi tái hôn... Giờ đây, nhìn Lan Hương nói, cười, biểu lộ cảm giác an nhiên qua đôi mắt của người dù đã chạm ngưỡng 60 nhưng vẫn to tròn và vẫn đen láy, tôi nhận ra, đó thực sự là món quà mà thượng đế ban tặng Lan Hương - “Em bé Hà Nội” với ánh mắt trong veo đọng lại trong trí nhớ của biết bao khán giả.
Sinh năm 1963 tại Hà Nội, NSND Lan Hương thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên được "đào tạo tại chỗ" của Nhà hát Tuổi trẻ. Chị xuất hiện trong nhiều vở kịch ăn khách của Nhà hát như "Lời nói dối cuối cùng", "Cuộc đời tôi", "Mùa hạ cay đắng", "Tôi đi tìm tôi", "Vũ Như Tô"... Trong vai trò đạo diễn, chị dàn dựng các vở: "Con bệnh bí hiểm", "Chuyện một ngã tư", "Người trong biển lửa", "Trận chiến giữa rừng xanh"... Trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, ngoài “Em bé Hà Nội”, NSND Lan Hương còn góp mặt trong một số bộ phim: "Mối tình đầu"; "Đêm cuối năm"; "Cái tát sau cánh gà"; "Trăng trên đất khách" (phim điện ảnh); "Sống chung với mẹ chồng", "Ngược chiều nước mắt" (phim truyền hình). Chị tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và được trao tặng danh hiệu NSND năm 2007.