Nghệ nhân tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống

Minh Thân| 25/08/2017 16:12

Hơn 40 năm làm nghề và dành trọn tâm huyết cho việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mây tre đan truyền thống của cha ông - người nghệ nhân của làng nghề Phú Vinh - Nguyễn Văn Tĩnh đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ông là một trong các nghệ nhân mây tre đan của Hà Nội đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Căn nhà giản dị của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh nằm trong một con ngõ nhỏ giữa làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. Trên diện tích chưa đầy 200m2  ấy vừa là nơi sinh sống của cả gia đình, vừa là xưởng sản xuất của công ty TNHH Việt Quang. Công ty được ông và con trai nghệ nhân trẻ Nguyễn Phương Quang thành lập với gần 20 lao động làm việc thường xuyên. Cũng tại nơi đây, nhiều sản phẩm, mẫu mã mây tre đan được gia đình nghệ nhân Tĩnh lưu giữ, trưng bày, giới hiệu tới du khách gần xa. Căn nhà để vừa đủ lối đi, còn lại chỗ nào cũng là nơi để sản phẩm mây tre đan, khiến chúng tôi tự hỏi không biết đã có bao nhiêu sản phẩm được thổi hồn và chắp cánh từ đây để bay cao, bay xa đến nhiều quốc gia trên thế giới làm rạng danh đất Việt và làng nghề Phú Vinh – Phú Nghĩa của quê hương Chương Mỹ? 

Nghệ nhân tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh luôn tỉ mỉ, trau chuốt từng sản phẩm mây tre. Ảnh: Minh Thân 


Vừa cần mẫn sấy khô những chiếc giỏ mây, công việc của một người thợ thủ công bình thường, vừa trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: với bất kỳ một công việc gì, một công đoạn nào, từ đơn giản đến khó nhất của một sản phẩm mây tre đan, ông đều làm với sự say mê và cẩn trọng, có như vậy, thì ông mới truyền dạy cho người khác được. Phương châm của ông là phải cầm tay chỉ việc trên từng sản phẩm cụ thể, có thế mới dễ hiểu, dễ làm và hiệu quả được. 

Ông Tĩnh kể, ông không nhớ là mình bắt đầu làm nghề này từ lúc mấy tuổi, chỉ biết cha ông cũng là một nghệ nhân tài hoa của làng nghề Phú Vinh - Nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu. Sinh thời, cha ông thường hay nói với ông và những thành viên trong gia đình rằng: đã sinh ra trong nhà này là phải biết làm nghề mây tre đan. Vì thế, cha ông lúc nào cũng rất nghiêm khắc khi truyền nghề cho con trai mình. Nhờ đó mà ông đã thấm cái nghề và cái nghiệp của gia đình từ lúc nào không hay. Đến giờ ông vẫn luôn thầm cảm ơn sự nghiêm khắc của cha. Bởi chính điều đó đã giúp ông có được thành quả như ngày hôm nay. 

Nghệ nhân tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống
Xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: Minh Thân

Thăm căn nhà của ông, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và thán phục bởi những những tấm bằng khen, giấy khen, các giải thưởng mà ông cùng hai con trai là cũng đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân đạt được. Những tấm bằng khen ấy được treo kín cả 4 bức tường trong ngôi nhà. Nếu kể hết thì chắc phải đến vài chục giải thưởng lớn nhỏ. 

Ngay từ năm 1986 khi ấy ông mới 23 tuổi đã giành trọn bộ huy chương 1 vàng, 1 bạc và 1 đồng tại Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc lần thứ nhất, được Trung ương Đoàn, Hội thủ công Mỹ nghệ Việt Nam tặng bằng khen. Nghệ nhân Tĩnh tâm sự, cho đến bây giờ đã hơn 50 tuổi nhưng  ông vẫn còn xúc động và nhớ mãi cái lần đầu tiên được đi nhận những giải thưởng đó. Tiếp đến, năm 1999 ông giành giải Bàn tay vàng do Hội đồng liên minh các HTX Việt Nam trao tặng. Liên tiếp trong 2 năm 2006 và 2008, ông đều giành giải nhất và cúp vàng sáng tạo trong hội thi thiết kế kiểu dáng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức. Năm 2014, nghệ nhân được Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam trao bằng tôn vinh Nhân tài đất Việt bởi đã có công bảo tồn phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vượt ra khỏi tầm quốc gia, năm 2008 ông đã giành được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Đông Nam Á… 

Giải thưởng nhiều là vậy, nhưng để có một sản phẩm đạt giải, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã phải bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm tòi, sáng tạo làm thế nào để sản phẩm vừa độc đáo, vừa mang đậm nét văn hóa Việt  Nam và phải có tính ứng dụng cao. Đấy là chưa kể mỗi chi tiết nhỏ trên sản phẩm đều được ông trau chuốt tỉ mỉ và thể hiện được sự tài hoa, tinh tế rất riêng của mình. Chính vì vậy có những sản phẩm dự thi của ông, từ lúc ấp ủ ý tưởng sáng tạo đến lúc thành phẩm thường phải mất hàng năm trời. Thậm chí có bộ sản phẩm ông làm trong hơn 2 năm như sản phẩm “Gia đình nhà ốc” gồm có 6 con ốc được trao giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ  5 năm 2014  do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức 5 năm một lần… Liên tục trong những năm qua, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh và công ty TNHH Việt Quang luôn là đơn vị đại diện cho huyện Chương Mỹ tham gia giới thiệu sản phẩm tại các triển lãm, các  hội chợ nghề thủ công truyền thống của Hà Nội và cả nước. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tâm sự: “Giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu nghệ nhân ưu tú, tôi tự nhủ vinh dự phải đi đôi với trách nhiệm”. Vì thế mà trong suốt những năm qua, không lúc nào nghệ nhân thôi trăn trở không chỉ vì sự phát triển sản xuất kinh doanh của gia đình mà còn vì sự trường tồn của làng nghề trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế. Mong ước của ông là sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh luôn được ưa chuộng trên thế giới. 

Ông cũng mong rằng thế hệ thanh niên trẻ của Phú Vinh gắn bó say mê và có tâm huyết giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Với ông, để mong ước đó trở thành hiện thực, không chỉ là trách nhiệm lớn lao của cá nhân ông mà còn cần sự chung sức của các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Bảy chuyện kể Gothic" mang đến cho độc giả Việt Nam thể loại văn chương hết sức mới lạ
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa trình làng cuốn sách “Bảy chuyện kể Gothic” của tác giả Isal Dinesen. Với thể loại văn chương hết sức mới lạ, tác phẩm mang đến cho độc giả Việt Nam những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn.
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân tâm huyết với nghề mây tre đan truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO