Nhờ phát triển nông nghiệp công nghệ cao cùng nhiều giải pháp tích cực, ngành Nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Sơn Hà |
Thị trường còn bất cập
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, đạt 4,2%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây, vượt mục tiêu tăng trưởng do Bộ NN&PTNT đề ra với giá trị sản xuất là 3,47%. Thị trường trong nước ổn định, xuất khẩu mở rộng, tiêu thụ hàng hóa được đẩy mạnh; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao, đạt 19,4%, tăng 12%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Đến nay, cả nước đã có 37,76% số xã, 52% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tích cực giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Cả nước đã chuyển đổi hơn 32.800ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về thị trường tiêu thụ. Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, các địa phương đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng chưa đồng đều; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người dân chưa phổ biến; công tác dự báo cung - cầu còn bất cập... nên có lúc, có nơi xảy ra tình trạng nông sản tồn đọng, tiêu thụ chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Mặt khác, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ tuy từng bước nâng cao năng lực nhưng còn chậm so với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn; tổn thất sau thu hoạch còn cao; sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp; giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ...
Với Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Nông nghiệp có nhiều thách thức; việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ song chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoạt động liên kết sản xuất của người dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế. Vấn đề tiêu thụ nông sản còn phụ thuộc tiểu thương; lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng còn ít; người sản xuất chưa chủ động được giá cả và "đầu ra"...
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao... dẫn đến nông sản dư thừa cục bộ. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ cho biết: Đơn cử, hiện sản phẩm củ cải tuy tiêu thụ ổn định nhưng cách đây không lâu, hàng nghìn tấn nông sản này đã phải bán với giá rẻ... Điều này cho thấy việc liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; nông dân chưa có định hướng trong sản xuất gắn với thị trường...
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Để đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 3,25% và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa...) theo hướng công nghệ cao. Bộ NN&PTNT tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng cho biết, Hà Nội đang xây dựng và phát triển các mô hình liên kết nông dân gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, áp dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng; phát triển trang trại gắn với du lịch, giáo dục, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề kết hợp với phát triển du lịch làng nghề...
Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với chuỗi giá trị. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các tỉnh, thành phố trong đổi mới, phát triển hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Các đơn vị của Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, kịp thời cảnh báo những quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể xảy ra đối với hàng xuất khẩu; đồng thời có chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. "Mặt khác, ngành chú trọng nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị..." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.