"Ngàn năm gốm Việt" và ước mong khôi phục lại dòng gốm hoa nâu
Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt” vừa chính thức ra mắt tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội với sự tham dự của đông đảo khách mời cùng những người yêu gốm Việt.
Trung tâm "Ngàn năm gốm Việt" vừa được ra mắt tại số 10, Đường chợ Gốm, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội với sự tham dự của đông đảo khách mời cùng những người yêu gốm Việt.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Trung Thành - Tổng Giám đốc của "Ngàn năm gốm Việt" - cho hay, có một câu nói mà ông rất tâm đắc khi đọc cuốn sách của sư ông làng Mai - Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó là "chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên".
Tổng Giám đốc của "Ngàn năm gốm Việt" cũng cho biết thêm, gốm hoa nâu chính là nguồn cảm hứng to lớn cho sự ra đời của thương hiệu này.
Ông Thành kỳ vọng, những sản phẩm gốm hoa nâu độc bản, mang đượm bản sắc thuần Việt và khơi gợi về một ký ức vàng son của văn minh Đại Việt sẽ được những người yêu văn hóa Việt sử dụng làm vật phẩm quà tặng trong những dịp quan trọng như nghi lễ đối nội, đối ngoại trong nước và quốc tế.
Đồng thời, qua các sản phẩm đó, các du khách quốc tế cũng được ngắm nhìn những nét chạm trổ điêu khắc trên thân gốm với những đường nét và hoa văn đượm tâm hồn người Việt.
Đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ, anh và các cộng sự tại "Ngàn năm gốm Việt" muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa những sản phẩm tinh xảo này đi ra thế giới.
"Mỗi sản phẩm gốm của chúng tôi đều độc bản, mang câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, được đắp thêm tâm huyết, sự tinh xảo của những bàn tay người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm đều là báu vật của người tiêu dùng cũng như người đam mê sưu tầm gốm" - đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.
Đạo diễn Hoàng Công Cường cũng khẳng định, mỗi sản phẩm của "Ngàn năm gốm Việt" khi đi ra thế giới có thể sánh ngang với những thương hiệu xa xỉ của các quốc gia trên thế giới.
Được biết, trung tâm "Ngàn năm gốm Việt" đã và đang nghiên cứu, chế tác nhằm tiến tới khôi phục lại dòng gốm hoa nâu, một dòng gốm thuần Việt được chế tác và phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, với mong ước đưa những sản phẩm gốm hoa nâu này trưng bày trong các không gian đương đại, cũng như trở thành những quà tặng văn hóa của quốc gia.
Cũng nhân dịp này, bộ sưu tập độc bản "Long Phi vận hội" đã được giới thiệu đến những người yêu gốm Việt với 100 sản phẩm độc bản điêu khắc rồng trên gốm.
Để chào đón năm Giáp Thìn 2024, các nghệ nhân và chuyên gia của "Ngàn năm gốm Việt" đã dày công nghiên cứu, phục dựng và hồi sinh hình tượng rồng Việt qua ngàn năm lịch sử, từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn.
Các tác phẩm Long Phi với cảm hứng từ hình tượng rồng Việt, thể hiện ước mong về một năm Giáp Thìn đầy may mắn và mạnh mẽ để nắm bắt những vận hội mới, ước vọng về những kỳ tích "cá chép hóa rồng" hay "cá chép vượt vũ môn"./.