Nam Định: Nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người
Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay, hành vi mua bán này đã xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ–TB&XH) Nam Định đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Trên cơ sở đó, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mua bán người; thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán, giúp các nạn nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhằm triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn, căn cứ vào Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Chính phủ và Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 40/KH- UBND ngày 02/4/2021 về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hàng năm, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh (BCĐ 138) ban hành Kế hoạch về đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người.
Căn cứ vào các Kế hoạch của tỉnh và Ban chỉ đạo 138 tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-SLĐTBXH ngày 10/5/2021 về việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 23/KH-SLĐTBXH ngày 25/5/2021 về triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2021. Kế hoạch số 11/KH-SLĐTBXH ngày 28/02/2022 về triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2022; Kế hoạch số 17/KH-SLĐTBXH ngày 16/02/2023 thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2023.
Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Lao động – TBXH và tình hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân thuộc chương trình phòng, chống mua bán người tại địa phương.
Tội phạm mua bán người được phát hiện với nhiều thủ đoạn khác nhau, như thông qua "Hội cho, nhận con nuôi", “Hội hiếm muộn”, “mang thai hộ”, “hiến trứng”, "đẻ thuê",… thông qua mạng xã hội Facebook để tìm kiếm, tiếp cận, lôi kéo những phụ nữ chấp nhận đẻ thuê, mang thai hộ hoặc mang thai nhưng không có điều kiện nuôi con,… Chính vì sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà nhiều phụ nữ đã vô tình tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi vì mục đích thương mại; gần đây, phát hiện một số vụ án liên quan đến mua bán người sang Campuchia.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước với tính chất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Tỉnh Nam Định đã tăng cường quản lý chặt các cửa ngõ ra vào tỉnh và đường biên giới biển để phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần ngăn chặn tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nam Định đã thực hiện quyết liệt kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự và bài trừ tệ nạn xã hội tại khu du lịch biển Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy đã hạn chế hoạt động phạm tội liên quan mua bán người.
Tuy nhiên, tình hình mua bán người trong và ngoài nước thời gian qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi.
Từ năm 2021 - 2023, UBND tỉnh đã bố trí 210 triệu đồng từ kinh phí chương trình phòng, chống mua bán người cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức tập huấn, tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ và người dân tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Kiềm chế, ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tệ nạn mua bán người, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người đến với người dân.
Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn; đẩy mạnh công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp xã hội, tái hòa nhập tốt với cộng đồng...