Một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới

VNHN| 17/02/2020 15:16

Năm 2019, mặc dù kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, nhưng với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Việt Nam tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019,

Một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa - Internet 

Một số kết quả đạt được về phát triển kinh tế – xã hội năm 2019

Năm 2019, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước và cũng là minh chứng rõ nét của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch1.  Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế đối với Việt Nam.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6 – 6,8%2, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%)3.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 516,96 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước. Năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt tới 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%)4. Qua kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu đã phát huy hiệu quả, mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học – công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Đặc biệt, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 – 2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016 – 2019, hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011 – 20155.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, kiểm soát tốt lạm phát. Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua6. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB – lên BB với triển vọng “tích cực”.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Đã tập trung tháo gỡ khó khăn nhiều mặt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với các dự án lớn được triển khai mạnh mẽ7.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, cao nhất từ trước đến nay.

Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003,2 nghìn tỷ đồng8.

Thứ tư, công tác y tế, giáo dục – đào tạo, KHCN, du lịch, an sinh xã hội có bước tiến mới. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Làm tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng giáo dục – đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Quan tâm thực hiện công tác giáo dục – đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng. Chú trọng đào tạo gắn kết với nhu cầu thị trường, nhất là nhân lực chất lượng cao. Quy mô nguồn nhân lực ước đạt 55,8 triệu lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61 – 62%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

KHCN được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được hoàn thiện. Các quỹ phát triển KHCN phát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN9.

Năm 2019 đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch đang có những cải thiện tích cực nhằm tạo sức hút đối với khách quốc tế, Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” năm thứ hai liên tiếp do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn10.

Các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5% (còn khoảng 3,73 – 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao11.

Bên cạnh đó, đã tổ chức trang trọng, ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú trọng các cuộc vận động, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đời sống văn hóa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi và rộng khắp; làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch.

Thứ năm, việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Tích cực thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu tuyệt đối; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Việc ký Hiệp ước, Nghị định thư với Cam-pu-chia về phân giới, cắm mốc đạt 84% biên giới đất liền là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhận. Triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); ký Hiệp định thương mại, đầu tư với Liên minh châu Âu. Công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân được triển khai tích cực. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Công tác thông tin truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ…12.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nền kinh tế – xã hội nước ta vẫn còn một số hạn chế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm, chi phí logistics còn cao. Cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều bất cập. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế. Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán. Bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chưa tranh thủ tốt những cơ hội và lợi ích của các hiệp định thương mại tự do cho phát triển đất nước…

Triển vọng phát triển kinh tế năm 2020 và các giải pháp chủ yếu

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng ta sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển khi tiềm lực đất nước vững mạnh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó không phải không có những khó khăn khi mà tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế có xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng…

Chính vì vậy, để đạt được triển vọng phát triển kinh tế, Chính phủ đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đối với phát triển kinh tế – xã hội, trong đó nêu rõ: Về kinh tế: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 – 34% GDP.

Về xã hội: tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 – 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. Về môi trường: tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%13.

Để đạt được các mục tiêu trên, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, nâng cao hơn nữa các chỉ số xếp hạng quốc tế.

Hai là, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm công khai, minh bạch. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, tài sản công; thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường; áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ với các đối tác lớn. Phát huy mạnh mẽ vai trò của thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại điện tử.

Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; tạo đột phá trong việc xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI; tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quy hoạch để thúc đẩy mạnh mẽ các vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng và phát huy vai trò động lực của các đô thị lớn.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng KHCN hiện đại. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN và phát huy vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp là trung tâm; có cơ chế, chính sách vượt trội để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Sớm đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các trung tâm khởi nghiệp.

Năm là, chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; bố trí nguồn NSNN và huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; làm tốt công tác thi cử; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh trường học; phòng, chống xâm hại trẻ em. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối; tăng cường công tác y tế dự phòng; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và diện tích rừng tự nhiên hiện có. Tiếp tục thực hiện kiểm kê việc quản lý, sử dụng quỹ đất đai toàn quốc; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý đất đai; rà soát thực trạng, xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tổ chức triển khai hiệu quả Hiệp định CPTPP và trình Quốc hội phê chuẩn các hiệp định thương mại, đầu tư với Liên minh châu Âu. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tạo mọi thuận lợi để kiều bào ta tham gia, đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Chú thích:
1, 7, 9, 11, 12, 13. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của Chính phủ,ngày 21/10/2019.
2, 3, 4, 5, 6, 8, 10. Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2019 của Tổng cục Thống kê, ngày 27/12/2019.

PGS.TS. Nguyễn Cúc

Học viện Chính trị khu vực I

https://vietnamhoinhap.vn/article/mot-so-giai-phap-phat-trien-ben-vung-kinh-te-viet-nam-trong-giai-doan-moi---n-27006

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO