Mê sắc trâu vàng

Hoàng Thu Phố| 11/02/2021 16:46

Vẽ tranh con giáp không phải tới nay mới được các họa sĩ thể hiện mà nhiều họa sĩ tiền bối đã duy trì thú chơi này, thậm chí nhiều người gặt hái thành công, đến nay vẫn còn được nhắc đến, như danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc… Là thế hệ đi sau, họa sĩ Đỗ Phấn đang nối dài một thú chơi tao nhã của người Hà Nội.

Mê sắc trâu vàng
Họa sĩ Đỗ Phấn

Năm nào vẽ con giáp đó

Họa sĩ Đỗ Phấn kể rằng, ông bắt đầu vẽ tranh con giáp khá tình cờ. Thoạt đầu chỉ vẽ dăm ba bức tặng bạn thân. Những năm sau bạn bè nhiều người hỏi, thế là vẽ nhiều hơn. Bây giờ, trung bình mỗi Tết ông vẽ khoảng 50 bức, có năm vẽ tới 70 bức mới đủ tặng bạn bè. Ở thời điểm này Đỗ Phấn là một trong những họa sĩ đương đại vẽ tranh con giáp bền bỉ nhất. Có những con giáp, như con trâu ông đã vẽ tới 3 lần. 

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, giới họa sĩ Việt Nam bắt đầu quan tâm đến đề tài vẽ tranh con giáp kể từ khi thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925). “Cái cốt lõi của việc này không gì khác hơn vẫn là theo truyền thống chơi tranh Tết của người Việt. Gần một trăm năm trước khi nói đến tranh cũng đồng nghĩa với nói đến các loại tranh dân gian bán ở chợ và treo trong nhà vào dịp Tết. Ngày thường chẳng ai quan tâm đến chúng làm gì. Hội họa Việt Nam may mắn thay có một lượng khán giả tiềm năng chơi tranh Tết từ rất lâu đời. Tất nhiên trình độ thưởng thức vẫn cần phải nâng lên nhiều hơn nữa khi đời sống kinh tế đã khá giả hơn”, họa sĩ nói.

Họa sĩ Đỗ Phấn cho biết, các họa sĩ thường chỉ vẽ tranh con giáp vào mỗi dịp áp Tết, chủ yếu để tặng bạn bè. Tuy nhiên, ngày nay, do nhu cầu của người chơi tranh, thích tranh, một số họa sĩ có thể vẽ tranh con giáp quanh năm, vẽ theo đơn đặt hàng. Riêng Đỗ Phấn, ông vẫn giữ cho mình cái nếp chỉ đến những tháng cuối năm mới mua thêm giấy, thêm màu về để vẽ tranh con giáp. Và ông cũng chỉ vẽ đủ để tặng bạn bè. Đỗ Phấn thường từ chối những người muốn ông vẽ một mạch 12 con giáp để mua luôn một bộ. Quan điểm của ông rất rõ: Năm nào vẽ con giáp đó!

Mê sắc trâu vàng
Đón xuân Tân Sửu 2021 họa sĩ Đỗ Phấn vẽ gần 40 con trâu (bột màu trên bìa và giấy giang)
Mấy năm nay, họa sĩ Đỗ Phấn phải vẽ tranh con giáp sớm hơn lệ thường một chút. Cũng có nguyên do, là bởi một vài tờ báo muốn ông vẽ tranh con giáp để in bìa báo Tết. Cũng có nơi muốn ông vẽ sớm để xin in trên lịch. Bởi thế, tầm cuối tháng 11 họa sĩ Đỗ Phấn đã phải thu xếp các việc khác để vẽ tranh con giáp.

Tươi vui, hài hước

Năm nay, do bận vẽ một số bức sơn dầu để “trả nợ”, họa sĩ Đỗ Phấn chỉ vẽ khoảng 30 bức tranh trâu. Với tranh con giáp, ông thường vẽ bột màu trên bìa. Ông chia sẻ còn mua thêm ít giấy giang của bà con vùng cao vẽ những con trâu đồi, trâu núi.

Là người được học mỹ thuật một cách bài bản, lại đi thực tế nhiều từ khi còn trẻ, đi đâu vẽ ký họa đấy, nên giờ đây vẽ trâu với ông không khó hơn các con giáp khác. Họa sĩ Đỗ Phấn kể: Với thế hệ chúng tôi thì con trâu là con vật rất thân thương và quen thuộc. Những năm 1960 lũ trẻ Hà Nội sơ tán về các miền quê được sống với lũ trẻ nông thôn chăn trâu cắt cỏ khá nhiều năm. Lúc ấy con trâu còn là sức kéo chủ lực của nông dân. Người ta yêu quí và chăm sóc nó như một thành viên chính trong gia đình.

Với họa sĩ Đỗ Phấn, con trâu có dáng vẻ tươi vui, hài hước và thường… ngốc nghếch. “Cho đến bây giờ tôi đã vẽ tranh con trâu đến 3 con giáp rồi. Trước đó nhiều năm tôi cũng đã có nhiều tác phẩm vẽ trâu. Trâu là con vật dễ vẽ và vẽ dễ đẹp hơn những con khác có lẽ cũng bởi thế hệ tôi được tiếp xúc và vẽ nghiên cứu về nó khá nhiều”, họa sĩ Đỗ Phấn tâm sự.

Mê sắc trâu vàng
Ông cho rằng, đích đến cuối cùng của một bức tranh luôn là tạo ra được xúc cảm thẩm mỹ cho người xem. Tức là người xem phải thấy đẹp. “Tất nhiên cái đẹp ngày thường lại không giống như ngày Tết. Bảng hòa sắc trầm tối không thể phù hợp với tâm trạng của người ăn Tết. Đường nét vóc dáng con vật bạo liệt hung tợn cũng là thứ khó treo trong nhà vào dịp Tết”, họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ. Chính vì thế, họa sĩ cùng lúc phải giải mấy bài toán nên có khi vẽ hàng chục bức mới được một bức tương đối ưng ý. Thế nhưng người vẽ có lương tâm lại không thể nhân bản những bức ưng ý của mình. 

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, tranh con giáp dù gì vẫn bị cho là kém giá trị hơn những tranh khác. Thế nhưng danh sách những người vẽ tranh con giáp vẫn luôn được nối dài, rẽ nhánh, để tạo thành một thú chơi vào mỗi dịp xuân sang Tết đến. Với riêng Đỗ Phấn, thú vẽ tranh con giáp đã quá gắn bó, không thể bỏ qua. Ông cười bảo, muốn bỏ qua cũng khó vì bạn bè sẽ nhắc nhở làm cho chính họa sĩ cũng thấy nôn nao muốn động bút…
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mê sắc trâu vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO