Mạo muội quanh câu Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần

Theo Bao Thanh hóa| 08/05/2019 23:22

Đã dằng dặc lẫn dai dẳng cái câu, Thanh cậy thế Nghệ cậy thần. Cái vế thứ hai có lẽ để một dịp khác thuận tiện. Nghệ cậy thần? Nhiều ý kiến cho rằng xứ Nghệ có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng? Có lẽ chả phải. Dịp này thử mon men lẫn bạo phổi làm cái việc giải mã Thanh cậy thế...

Mạo muội quanh câu Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần

Dốc Xây – cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.


Cậy thế? Thế là cái chi? Từ điển Hán Việt có đến 31 chữ thế với cách viết và nghĩa khác nhau dùng trong các trường hợp văn cảnh không giống nhau. Thế trong trường hợp này là chữ có bộ lực với ngữ nghĩa bao la, phong phú. Nào là thế lực sức mạnh, uy lực, tình hình trạng huống, cơ hội... Tạm suy rộng ra, thế còn hàm nghĩa chỉ sự vượng địa (thế đất tốt, lành) thế trận lòng dân, sức của, sức người...

Cái THẾ của vùng đất xứ Thanh, nói vội như khẩu khí của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm Thanh kỳ khả ái (xứ Thanh kỳ lạ đáng yêu). Và nữa, không thể không biên câu thơ của Phạm Tiến Duật đã từng đúc kết Xưa Thanh Hoa và nay là Thanh Hóa/ Hậu phương ngàn đời vững chãi của ta ơi! Nhưng còn hơn thế nữa. Tạm nhớ chi ghi nấy vậy.

Sớm định vị vị trí, vai trò chiến lược của đất Thanh Hóa đối với đại cục Đại Việt, năm Nhâm Tuất 1082, rất mẫn tiệp sáng suốt về điều chuyển nhân sự, Vua Lý Nhân tông đã cử Thái úy Lý Thường Kiệt, vị quan đầu triều người có công lớn trong sự nghiệp đánh Tống bình Chiêm vào cai quản, trị nhậm đất Thanh Hóa được triều đình coi là vùng phên dậu phía Nam Thăng Long. Thủ túc còn hơn cật ruột, Lý Thường Kiệt từng được mang danh thiên tử nghĩa đệ (em vua). Suốt 19 năm làm Tổng trấn Thanh Hóa (1082-1101) ngài đã có nhiều phương cách thông minh sáng suốt khuyến khích huy động nội lực của xứ Thanh Hóa rất phát triển về kinh tế văn hóa. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước cái thuật yên dân. Sự tốt đẹp đều ở đấy cả.

Những đóng góp của Lý Thường Kiệt 19 năm ở đất Thanh Hóa tạo nên cái THẾ căn bản làm chỗ dựa cho Đại Việt những thời điểm nguy nan sau này.

Kháng cự giặc Nguyên Mông từng tung hoành thế giới, vận nước thời nhà Trần có lúc bĩ. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thay đổi chiến lược, lui quân phòng thủ để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản công. Tình thế trước mắt gặp nhiều khó khăn, lòng người không khỏi hoang mang, dao động. Trên con thuyền rút về Hải Đông, Trần Nhân tông lau đuôi thuyền đề hai câu thơ bất hủ:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.

(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ

Đất Hoan, Diễn vẫn còn kia mười vạn binh).

Gợi nhắc điển cũ Cối Kê, lúc Việt Vương Câu Tiễn bị quân Ngô dồn vào ngõ cụt, tướng sĩ tan tác... Ấy vậy mà chỉ với một nghìn quân ít ỏi, Câu Tiễn đã gây dựng thành một đội quân hùng mạnh sau này nuốt chửng nước Ngô hoàn thành bá nghiệp. Gợi lại tích xưa, Trần Nhân tông muốn khẳng định niềm tin mãnh liệt của mình vào chiến thắng. Vị hoàng đế muốn nhắc nhở tướng sĩ của mình rằng đừng vội nản lòng đừng quên rằng chúng ta vẫn còn mười vạn quân Hoan Diễn đang sẵn sàng chờ tiếp ứng. Trong hoàn cảnh nguy khốn mới thấy hết được bản lĩnh của Trần Nhân tông – vị chỉ huy tối cao đã nhìn thấy vị trí chiến lược cùng nhân tài vật lực của xứ Hoan Diễn, một tiềm năng của THẾ vậy!

Cũng sớm nhận ra địa lợi nhân hòa của cái THẾ vùng tự do Thanh Hóa mà trong tình thế khó khăn như trứng để đầu đẳng của cuộc kháng chiến Nguyên Mông lần thứ 2, năm 1285, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã đưa Vua Trần Nhân tông, Thái Thượng hoàng Trần Thánh tông cùng hoàng gia và binh lính rút lui chiến lược vào làng Thổ Khối của Hà Dương, Hà Trung phòng ngự để đảm bảo an toàn lực lượng và chờ cơ hội phản công địch. Làng Thổ Khối nơi dừng chân cho hai vua cùng bộ chỉ huy và trở thành tổng hành dinh của cuộc kháng chiến. Chỉ mấy tháng sau, Hưng Đạo vương đã tiến quân ra Bắc phối hợp với các đạo quân khác tổ chức cuộc tiến công chiến lược ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Bạch Đằng, quét sạch quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi.

Và không thể không nói đến lựa chọn của Hồ Quý Ly khi quyết định thiên đô từ Thăng Long vào Tây Đô. Đúng, sai, hay dở? Bao nhiêu là những cay nghiệt trước nay rằng là thất sách vì Tây Đô là tuyệt địa, là hợp với loạn không hợp với trị! Ông đã dựa vào cơ sở nào, cái THẾ nào để quyết việc hệ trọng dời đô ấy? Bình, luận hay xét về quyết định thiên đô xưa nay thiên hạ đã tốn bao giấy mực cũng như dằng dặc những bàn định về công tội trong thời gian ngắn tủn chỉ có 7 năm làm vua của Hồ Quý Ly. Nhưng có lẽ chỉ có cái anh quốc tế mới sáng láng mới công bằng? Như một sự minh oan, chiêu tuyết và tôn vinh bằng cớ là hiếm hoi công trình của các triều đại Nhà nước Đại Việt anh đã chọn Thành Nhà Hồ là Di sản thế giới UNESCO?

Theo Toàn Thư, sự phân biệt khu vực “trại” với các xứ khác của Đại Việt đầu tiên xuất hiện vào năm 1010, ngay sau khi Lý Thái tổ dời đô ra Thăng Long. Nguyên văn trong Đại Việt sử ký toàn thư viết cải thập đạo vi nhị thập tứ lộ Ái châu Hoan châu vi trại (Đổi 10 đạo thành 24 lộ, hai châu Hoan Ái thành trại) Như vậy, Hoan - Ái được xem như khu vực quân sự ngoài biên. Dân Hoan Ái không phải Man Lão, cũng không phải người sống ở “kinh” hay ở các “lộ” đồng bằng. Mang cái tên Trại, dân xứ Thanh cổ kim có chút chi chạnh lòng không bởi các thủ lĩnh theo truyền thống Lạc như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn chưa bao giờ có quan điểm tương tự? Nhưng chính người và đất xứ Trại ấy là thế mạnh là hiểm địa của các cuộc vệ quốc liệt oanh sau này. Như Lê Lợi rất tinh tế trong thuật dùng binh, Ngài đã mộ nhân lực từ các vùng Trại cung cấp trai tráng tinh nhuệ cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Bình Định vương nói rõ trong thư gửi Vương Thông cứ như khoe như dọa. Ngày trước, binh không quá vài trăm. Nay, binh phụ tử Thanh Hóa không dưới hai vạn; quân gọi là mạnh mẽ dũng cảm ở Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa không dưới vài vạn; cùng với quân đồng tâm đồng sức ở các lộ Giao Châu không dưới mười vạn.

Nhớ lại khi Nguyễn Kim mất, thế nước rối ren. Nhỡn lực của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm năm 1545 đã nhìn xa chọn đất Thanh để rước Vua Lê Trang tông về.

Vua thì phải ở kinh đô! Khi đó từ Thanh Hoa trở ra nhà Mạc chiếm cứ trong đó có kinh thành Thăng Long. Rất chóng, Trịnh Kiểm đã chọn sách Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lập hành điện.

Đất ở đây hiểm yếu về quân sự, công thủ, tiến thoái đều thuận lợi. “Việt sử thông giám cương mục” (NXB Giáo dục, 1998) viết: “Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bàn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó” (tập II, tr.124).

Giở sử cũ, bồi hồi thêm nếu không có hành cung Vạn Lại cùng những chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài của Trịnh Kiểm thì những nho sinh hoặc kẻ sĩ đang thất cơ lỡ vận như Phùng Khắc Khoan, Lương Đắc Bằng... khó mà kiếm được nơi nương náu! Nước Nam ta chắc sẽ khuyết đi một trạng nguyên có tài lương đống như Phùng Khắc Khoan và ông thầy dạy Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Lương Đắc Bằng quê ở Hoằng Hóa!

Từ Vạn Lại, một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Các kỳ thi Hội, thi Đình được mở ra tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử khoa cử phong kiến, chỉ có ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ cho cả nước: Thăng Long, Vạn Lại và sau này là Huế.

Trong thời gian 47 năm (1546 - 1593), ở Vạn Lại đã tổ chức 7 khóa thi đã có nhiều hiền tài có công với đất nước vào những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đó là các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú...

Trong số 45 người đỗ tiến sĩ ở Vạn Lại có hơn 30 người trở thành thượng thư, nhiều người được nhà vua cử đi sứ. Bảy trong số 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu có ghi danh các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại.

Thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đến năm Quý Tỵ (1593) quân Nam triều đã đánh Nhà Mạc chạy lên biên giới phía Bắc, vua tôi nhà Lê ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long.

Bãi bể nương dâu, mấy trăm năm gió mài, mưa xối, ở Xuân Châu nay hầu như không còn vết tích gì của điện dài, cung đình cũ. Chỉ còn vài con linh thú bằng đá.

Rồi chuyện Nguyễn Huệ, Quang Trung phục sát đất quyết định của Ngô Thì Nhậm khi bỏ thành Thăng Long lui quân về giữ đất Tam Điệp xứ Thanh Hoa ngoại. Nghe Nguyễn Huệ khen, Ngô Thì Nhậm đã thành thực một cách cay đắng rằng “Xứ ngoài kinh lộ trung châu, quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít, quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng... Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà thuộc vào sổ quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy mà đánh, không khác gì xua bầy dê đi chọi cọp dữ, không thua sao được?” Ngô Thì Nhậm cũng hé điều bí mật với Nguyễn Huệ đại ý, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân an tâm ở vị trí này, ngoài lý do địa hình phòng thủ thuận lợi còn an toàn bởi số lượng người địa phương làm chỉ điểm cho quân Thanh rất ít so với dân ở trung châu!

Cũng cần nói thêm Tam Điệp, xứ Thanh Hoa ngoại cũng là nơi trú chân để củng cố lực lượng bổ sung binh mã của đất Hoan Ái của vua hậu Trần Giản Định đế trong cuộc kháng chiến chống quân Minh sau thất bại của Hồ Quý Ly. Vậy đó, địa hình hiểm yếu và lòng dân cũng là một cái THẾ.

Cái tên Thanh Hoa dùng để gọi xứ trấn lớn nhất Đàng Ngoài tồn tại mãi cho đến cái năm cô gái xinh đẹp quê ở Biên Hòa có cái tên Hồ Thị Hoa về làm vợ vua Minh Mạng. Sau khi sinh con ít ngày, bà bị bạo bệnh rồi mất. Hoàng đế Gia Long thương xót bằng cách ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa, tên người con dâu hiếu thuận. Phàm địa danh chi có hoa đều đổi thành huê hoặc bông. Và tên một trấn (thời Gia Long chưa có khái niệm tỉnh) lớn nhất đàng ngoài như Trấn Thanh Hoa cũng phải đổi Thanh Hoa gọi là trấn Thanh Ba. Sau vua thấy hình như không ổn? Ngài truyền rằng Những chữ húy ở Thái miếu rất là tôn trọng, theo lễ phải nên cung kính mà kiêng tránh. Nhưng đối với cái nơi phát tích nghìn muôn đời, cũng phải nên coi lại. Xét các sử sách của nước Nam, tỉnh Thanh đời cổ là Thanh Hóa. Vậy chuẩn cho lấy lại tên cổ.

Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa. Diệu kỳ thay cái tên ấy? Dưới trào Minh Mạng, một loạt dinh, trấn trong Nam ngoài Bắc đổi thành tỉnh với nhiều tên mới. Nhưng riêng Thanh Hóa vẫn tên tỉnh Thanh Hóa. Dưới trào Pháp Nam, lại chia hợp một số tỉnh nhưng Thanh Hóa vẫn y nguyên. Thời thế đổi thay, cho mãi đến năm 1991, trong phong trào chia tách tỉnh rầm rộ, người ta đã ngắm ngó, đã trù tính cái việc chia tỉnh. Lại dấm sẵn một tên mới Thanh Hoa bên cạnh Thanh Hóa cho cái tỉnh lớn và đông dân nhất nước này một khi chia tách thành 2! Nhưng sau rất nhiều những bàn thảo (chuyện này xin được kể sau) việc đó đã không thành và vẫn vẹn nguyên cái tỉnh cùng cái tên Thanh Hóa! Vậy đó, chuyện đổi tên xứ Thanh đến như Gia Long cũng ngại cũng sợ nói chi đến hậu thế? Ngán chi vậy? Có lẽ cũng là do ngài sợ mạo phạm cái THẾ của đất quý hương?

Chẳng thể quên sự kiện Bác Hồ về thăm Thanh Hóa mùa xuân năm 1947 gắn với mấy chữ vàng Người ban tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu...

Thầy trò (cùng đồng chí Trần Đăng Ninh) tất tả bươn bả đương đêm xuyên qua Ninh Bình qua Chi Nê... có phải Bác vào Thanh chỉ gặp cán bộ, nhân dân ở Rừng Thông rồi thôi? Nhiều tư liệu thời điểm này đã được phép bạch hóa. Như việc Người đương đêm ghé đình Gia Miêu ngoại trang nơi thờ Triệu tổ Nguyễn Kim nơi phát tích 9 chua, 13 vua nhà Nguyễn. Chế độ Việt Nam DCCH non trẻ khi ấy mới được 2 tuổi nối sau 143 năm nhà Nguyễn trị vì. Vào đình rồi, Bác bảo Trần Đăng Ninh chú ra ngoài đợi Bác! Trần Đăng Ninh và các thuộc hạ đợi ngoài dễ gần một tiếng. Bác của chúng ta khấn khứa bạch với tiền nhân những gì giờ chửa thể ai biết. Mãi sau này chuyến vô Thanh ấy mới được giải mật một phần. Người vô Thanh để xem xét, nghe ngóng là liệu có di dời bộ tham mưu kháng chiến vô xứ Thanh? Nên nhớ là thời điểm ấy đầu não Chính phủ lâm thời non trẻ đang náu ở vùng Chương Mỹ Chùa Trầm chứ chưa rời lên Việt Bắc. Sau chuyến đi Thanh ấy, Người nói nhỏ với ông Vũ Kỳ, Bác cháu mình lại phải lần nữa lên Việt Bắc.

Thanh cậy thế... Thiển nghĩ dân Thanh mình không cậy thế theo nghĩa tiêu cực (nếu có cậy chăng chỉ là hạng tiểu nhân gàn dở không biết mệnh trời không nhận ra mình là thứ cỏn con hữu hạn trong cái vô cùng của trời đất!) Mà là các đấng tiền nhân là các nhân vật lịch sử đã biện chứng sáng suốt nhận ra cái Thế mạnh hiếm có của xứ Thanh để mà trao gửi, để mà bảo tồn vận nước trong những thời điểm này khác chuẩn bị cho những kế sách lâu dài của Đại Việt. Đã đành phải có chuyện vượng địa - đất lành. Đã có Đất phải có Người xứ Thanh với đức tính này khác để ứng xứng với đất ấy, xứ ấy? Cứ như một thông điệp luôn nhắc nhở, răn đe của tiền nhân của lịch sử với người quê choa...

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mạo muội quanh câu Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO