Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời các đại biểu Quốc hội.
Lùi thời điểm và thay đổi lộ trình Tờ trình của Chính phủ cho biết, theo lộ trình trong Nghị quyết số 88, thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới đối với từng cấp học được thực hiện từ năm 2018 đối với các lớp học đầu cấp và triển khai tất cả các lớp học vào năm 2022. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập như chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng một năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng. Đồng thời, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nêu tại Nghị quyết 88 thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Mặt khác Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng: bắt đầu áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2019 - 2020; năm tiếp theo áp dụng cho lớp 2 và lớp 6; sau đó là lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022 - 2023 áp dụng cho lớp 4, lớp 8 và lớp 11; các lớp 5, 9, 12 sẽ được áp dụng vào năm học 2023 - 2024. Theo lộ trình này, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022. Tờ trình của Chính phủ cho biết, theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Mặt khác, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm. Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng ý lùi, nhưng cân nhắc các điều kiện chuẩn bị và thời điểm Thảo luận về tờ trình, phần lớn các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc lùi thời điểm thực hiện áp dụng chương trình, tuy nhiên cần phải lưu ý đến thời gian bao nhiêu lâu là phù hợp. Các đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đều chung ý kiến rằng, trong vòng một năm qua công việc chuẩn bị vẫn chưa xong, vậy lùi một năm có xong kịp không. Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng băn khoăn về thời hạn, bởi rất nhiều công việc chuẩn bị đều bị chậm tiến độ, nếu thực hiện cập rập, không đủ thời gian, sẽ dẫn đến những bất cập và thiếu đồng bộ như trước đây. Đại biểu Trần Thị Dung (Quảng Ngãi) thống kê có tới 30 đầu việc vẫn còn chưa xong, liệu một năm nữa có đủ không. Các đại biểu cũng băn khoăn về những yếu tố quan trọng trong chương trình đổi mới giáo dục này, như sách giáo khoa vẫn chưa có, chất lượng giáo viên, điều kiện về cơ sở vật chất. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, sự chuẩn bị cho đội ngũ nhà giáo hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn do điều kiện của các địa phương. Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) chỉ ra rằng chương trình mới đề cập rất cụ thể đến năng lực, phẩm chất của người học, nhưng lại chưa có năng lực, phẩm chất của người dạy. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Quảng Ngãi) cho rằng yếu tố quan trọng quyết định là chất lượng giáo viên, và đề nghị cần phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về cơ sở vật chất giáo dục ở nhiều địa phương. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến chỉ ra rằng, đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục phổ thông cũng chưa được phê duyệt. Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cơ sở vật chất giáo dục ở nhiều nơi mặc dù cũng đã được đầu tư nhưng vẫn còn thấp xa dưới mức nhu cầu thực tế. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phân tích rằng, việc cải thiện cơ sở vật chất lại phụ thuộc vào địa phương, cho nên khó có thể nói được bao nhiêu năm là ổn. Các đại biểu Quốc hội còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như đưa công nghệ vào chương trình mới; chế độ và chính sách, lương cho giáo viên đã nói đến nhiều nhưng chưa thực hiện; chính sách cộng nhiều điểm cho học sinh miền núi đang tạo ra sự chênh lệch về chất lượng học sinh hiện nay; công khai minh bạch chi phí, điều chỉnh tình trạng quá tải học sinh sao cho vừa phù hợp với đề án, vừa không gây phình bộ máy… Lộ trình cơ bản vẫn đạt được Trả lời những vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết, chương trình sách giáo khoa được xây dựng chủ yếu giữ lại những phần kiến thức cơ bản, có độ mở và có phần dành cho từng địa phương điều chỉnh cho phù hợp. Đã có nhiều chuyên gia quốc tế được mời sang đánh giá và phản biện lại chương trình, và có 28 nghiên cứu về chương trình. Sách giáo khoa không phải là bất di bất dịch, mà dành độ linh hoạt cho giáo viên. Bộ trưởng cho biết đã có bốn văn bản về tiêu chuẩn sách giáo khoa và cách đây ba tuần đã có một hội đồng kiểm nghiệm. Việc soạn thảo sách cần nhiều tinh hoa trí tuệ, nhưng cũng có khung và tiêu chuẩn cụ thể chứ không làm tùy tiện và cũng phải theo định hướng. Về giáo viên, Bộ trưởng cho biết, đã quy hoạch lại các trường sư phạm để phục vụ cho việc đào tạo giáo viên, mặc dù trong thực tế, đợt đổi mới đầu tiên ở lớp 1, không có nhiều thay đổi và hầu như không phải đào tạo mới giáo viên. Các giáo viên cần đào tạo mới chủ yếu ở cấp 3, khi có một số môn phân hóa để hướng nghiệp. Còn lại là tận dụng các giáo viên sẵn có. Bộ trưởng cho biết, khối lượng công việc rất nhiều, nhưng chia ra nên cũng không bị quá tải. Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng cho biết chủ yếu là đáp ứng được nhu cầu của đề án đổi mới, còn lại khó khăn chủ yếu là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, tính đến nay, chương trình mới tiêu hết khoảng 48,2 tỷ đồng, cùng với chương trình bồi dưỡng giáo viên hết 2,3 tỷ đồng, tổng số hết khoảng hơn 50 tỷ đồng. Trong khi trong tờ trình, dự kiến số tiền dành cho đề án là 80 triệu USD, khoảng 1.700 tỷ đồng. Bộ trưởng khẳng định, lộ trình cơ bản của chương trình vẫn đạt được. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ và báo cáo cụ thể những việc đã thực hiện và tính toán để có lộ trình phù hợp, để Quốc hội nắm được. Việc đổi mới giáo dục là vô cùng quan trọng và liên quan đến những thế hệ sau này, như đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bày tỏ: “Đừng vì bất cứ một áp lực nào mà lấy các em học sinh ra làm phép thử”.
| |