Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi
Phóng viên: Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là một nhà báo có 40 năm công tác, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí Việt Nam trong quá trình đồng hành cùng đất nước?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: 95 năm qua, nền báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành trên mọi chặng đường đấu tranh kiên cường của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những gì là cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng lãng phí, những thói hư tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch phản động, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và chế độ XHCN.
Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; báo chí là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
Trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của báo chí Cách mạng Việt Nam. Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần dấn thân, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Những ngày qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, đang nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch Covid-19. Đó là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí.
Phóng viên: Có thể nói, thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để nhà báo luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không bị chệch hướng, bẻ cong ngòi bút trong cơ chế thị trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong bất kỳ giai đoạn nào, để hoàn thành được nhiệm vụ của mình, người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ và đặc biệt là luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí. Thực tế, đã xuất hiện không ít tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật. Đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, với nhiều cách thức tinh vi. Không ít sản phẩm báo chí sa vào vấn đề giật gân, câu khách, kích thích những thị hiếu tầm thường. Không ít tờ báo, ấn phẩm báo chí còn nặng xu hướng “đánh đấm”.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Không ít người làm báo bị vấp váp, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.
Những biểu hiện tiêu cực đó do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là mặt trái của nền kinh tế thị trường, những vấn đề mới của kỷ nguyên số tác động mạnh đến đạo đức nhà báo. Song, nguyên nhân chủ quan là cốt lõi, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo.
Phóng viên: Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ở bất cứ thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Một tin nhạy cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn hại lợi ích của ai đó trong chớp mắt có thể gây bão trên mạng xã hội. Báo chí không thể theo đuôi mạng xã hội, trở thành phương tiện lan truyền tin giả, tin xấu độc. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn. Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan tỏa. Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Đây là việc cực kỳ khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mỏng manh. Cho nên, nếu phải nói gọn lại, tôi nghĩ, nhà báo phải là người “dũng cảm và nhân văn”. Trong ngọn bút cần có cả lửa chiến đấu và lửa yêu thương.
Phóng viên: Thời điểm này vấn đề Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vẫn chưa hết nóng. Để thực hiện quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, tiến hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là rà soát nhân sự bị tác động và đưa ra phương án giải quyết. Là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích cho các hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam có quan điểm thế nào xung quanh vấn đề này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Thời gian trước đây, báo chí phát triển theo dạng “trăm hoa đua nở”, một sự phát triển quá nóng, vượt quá khả năng quản lý. Vì vậy, việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 là rất cần thiết, để báo chí phát triển đúng hướng hơn, lành mạnh hơn, tránh được sự chồng chéo, lãng phí và ngăn chặn được những sai phạm trong hoạt động báo chí.
Nhưng đây cũng là một việc khó, khó từ trước khi ban hành quyết định cho tới khi thực hiện và vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục quan tâm giải quyết. Công việc này đòi hỏi sự thống nhất rất cao từ các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí đến các cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch. Với sự nỗ lực, quyết tâm, trong một năm qua, có thể nói việc sắp xếp quy hoạch hệ thống báo chí từ Trung ương đến địa phương nhìn chung đang diễn ra theo đúng tiến độ và yêu cầu.
Phóng viên: Trong hoàn cảnh đó chắc chắn sẽ có không ít tâm tư cần được Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong quá trình tham gia các buổi thảo luận về vấn đề quy hoạch báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhấn mạnh việc đảm bảo quyền làm nghề và các lợi ích chính đáng cho các hội viên. Trong các lợi ích chính đáng của hội viên thì quyền được làm nghề là thiêng liêng nhất, do vậy, dù sắp xếp theo phương thức nào đối với các cơ quan báo chí thì cũng cần chú trọng nhân tố con người, giải quyết thỏa đáng. Hội Nhà báo luôn sát cánh, quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên.
Thực hiện quy hoạch, nhân lực báo chí sẽ phải rút gọn lại trong cơ cấu tổ chức của cơ quan mới. Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm. Người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, đáp ứng được yêu cầu công việc, người đó sẽ có chỗ đứng. Đó là quy luật của cuộc sống nói chung chứ không riêng ngành báo chí. Tôi nghĩ, bản thân các hội viên cũng cần nỗ lực học hỏi, nắm bắt công nghệ mới, vươn lên, khẳng định vị trí của mình trong bối cảnh mới.
Phóng viên: Sau quy hoạch, tuần báo Người Hà Nội sẽ chuyển đổi mô hình thành tạp chí văn học nghệ thuật của Thành phố Hà Nội, bắt đầu một chặng đường mới với nhiệm vụ chuyển tải thông tin sâu hơn về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Là người am hiểu về văn hóa, nhất là văn hóa người Hà Nội, ông có thể chia sẻ với báo Người Hà Nội hướng đi nào để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo Người Hà Nội là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, vì thế khi chuyển đổi mô hình hoạt động mới, tôi tin tạp chí Người Hà Nội vẫn phát huy tốt những thế mạnh của mình. Hà Nội là cái nôi của văn hóa, văn học nghệ thuật, nơi tập trung lực lượng văn nghệ sĩ cốt cán của cả nước. Vì thế tạp chí Người Hà Nội sẽ vẫn có một vị trí quan trọng. Tôi hoàn toàn lạc quan về tương lai tươi sáng của Người Hà Nội.
Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi đẹp về văn hóa, cho nên tạp chí Người Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Cái quý nhất, đẹp nhất của Hà Nội là truyền thống văn hiến và nét đẹp văn hóa được đúc kết từ hàng nghìn năm nay, trải qua các thời kỳ lịch sử, nhưng Hà Nội lại là cửa ngõ giao lưu quốc tế hàng đầu của Việt Nam trong một thế giới có tính liên kết rất cao. Cho nên, từ hai đặc tính ấy mà văn hóa Hà Nội phải dựa trên hai trụ cột đó là: giữ gìn bản sắc Thăng Long - Hà Nội; mở rộng giao lưu văn hóa để chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc Việt Nam để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa tiên tiến, hiện đại.
Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có nhắn gửi gì đến toàn thể hội viên Hội Nhà báo Việt Nam?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Nghề báo là nghề rất vinh quang nhưng cũng khó khăn, thách thức đòi hỏi tính cống hiến và dấn thân. Chúng ta làm nghề dựa trên phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Vì thế, làm báo là thực hiện trách nhiệm xã hội, sứ mệnh cao cả vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Muốn hoàn thành sứ mệnh đó, người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là nêu cao đạo đức làm nghề.
Đội ngũ 42.000 người làm báo cả nước trong đó có 25.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, chung sức đồng lòng để xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn chuyên nghiệp và hiện đại. Đây là tiêu chí của báo chí hiện nay và cũng là mục tiêu xuyên suốt của Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam tới đây. Chúc các đồng nghiệp trên khắp cả nước dồi dào năng lượng sáng tạo, yêu nghề, có nhiều niềm vui nghề nghiệp và đạt được nhiều thành công hơn trong sự nghiệp báo chí vinh quang của mình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!