Lợi ích đa chiều từ phố đi bộ Sơn Tây

Hanoimoi| 19/05/2022 22:07

Là trung tâm của vùng đất xứ Đoài, thị xã Sơn Tây nức tiếng với nhiều sản vật ngon như gà Mía, bánh tẻ, mật ong, kẹo lạc, tương nếp... Việc khai trương tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây là cơ hội để sản vật nơi đây được quảng bá mạnh hơn, tiêu thụ tốt hơn, mang lại thêm thu nhập cho người dân...

Lợi ích đa chiều từ phố đi bộ Sơn Tây
Các sản phẩm nông sản của Sơn Tây tham gia hội chợ.

Thơm danh đặc sản Xứ Đoài

Những ngày đầu tháng 5, thời tiết Hà Nội vào vụ nắng nóng, người dân và du khách đến khu vực Thành cổ Sơn Tây không quên ghé vào những gánh hàng ở quanh Thành cổ, thưởng thức cốc chè thạch găng bình dị nhưng đã trở thành đặc sản gợi nhớ xứ Đoài. Miếng thạch găng mềm mượt, xanh mướt cùng nước đường ngọt hoặc chè đậu đen khiến cái nắng nóng như dịu lại.

Hàng chục năm qua, xung quanh Thành cổ Sơn Tây có nhiều quán hàng bán chè thạch găng, không bàn ghế cầu kỳ và mỗi cốc chè thạch găng chỉ có giá vài nghìn đồng nhưng có sức hút với khá đông du khách. Bà Nguyễn Thị Bền ở phường Phú Thịnh, năm nay 70 tuổi, gắn bó với gánh chè thạch găng ở cổng Thành cổ Sơn Tây đã 30 năm, cho biết, nhiều nơi làm thạch đen nhưng người Sơn Tây thì chỉ làm thạch găng để ăn và bán. Làm thạch găng không khó. Lá găng khô được ngâm trong nước cho mềm rồi rửa sạch, vò nát. Nước vò lá găng được lọc bỏ cặn bã, pha thêm nước theo tỷ lệ nhất định rồi đun sôi để nguội, thạch sẽ đông một cách tự nhiên... Cốc chè mộc mạc “lấy lòng” rất nhiều người. Nhiều khách quen, cứ có dịp đến Sơn Tây lại tìm bằng được quán thạch găng để thưởng thức. Mưu sinh với nghề bán chè thạch găng, 30 năm qua, cuộc sống của gia đình bà Bền tươm tất.

Giống như thạch găng, bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh) cũng là món ăn vô cùng bình dị của xứ Đoài. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đó là niềm tự hào của người dân quê khi gìn giữ, phát triển đặc sản quê hương thành sản phẩm hàng hóa. Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu “Bánh tẻ Phú Nhi”. Đó là triển vọng và cơ hội để người dân trong làng tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Hiện nay, ngoài bán tại địa phương, bánh tẻ Phú Nhi có mặt ở các điểm du lịch của Sơn Tây được nhiều du khách yêu thích...

Sơn Tây còn nức tiếng với những sản vật ngon như gà Mía tiến vua của làng cổ Đường Lâm. Gà Mía được mô tả “đầu cong, mình cốc, cánh trai, mã lĩnh, ngắn quản”. Thịt gà Mía thơm ngon, có vị đậm, dai, da gà ăn rất giòn, đặc biệt là gà trống thiến. Gà Mía đã được công nhận là giống gốc quốc gia và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn và phát triển. Hiện nay, chăn nuôi gà Mía đang được nhiều hộ dân ở Sơn Tây phát triển theo hướng hàng hóa, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài thành phố.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, Sơn Tây có nhiều sản phẩm lợi thế như: Gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, chè xanh của xã Đường Lâm; bưởi, chè xanh của xã Cổ Đông; mật ong, sữa bò tươi của xã Kim Sơn; đà điểu, lợn rừng của xã Thanh Mỹ; dưa các loại của xã Xuân Sơn và bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh... Đây là các sản phẩm đặc trưng, nếu được hỗ trợ phát triển sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho các hộ dân. Chính vì vậy, những năm qua, thị xã đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia chuẩn hóa chất lượng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của thị xã. Thị xã cũng xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP, trong đó có các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương tại làng cổ Đường Lâm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để đặc sản của Sơn Tây đến gần hơn với người tiêu dùng, khách du lịch...

Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản

Sơn Tây xưa từng là thủ phủ xứ Đoài, có tới 244 di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Thị xã Sơn Tây có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: Làng cổ Đường Lâm, đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hồ Đồng Mô... Những năm qua, du lịch là một trong những mũi nhọn của thị xã trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, thị xã Sơn Tây đã khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài với chủ đề “Về Sơn Tây, về miền di sản” và khai trương tuyến phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây.

Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm - đơn vị tham gia ý tưởng và phát triển không gian phố đi bộ của thị xã Sơn Tây, tuyến phố đi bộ gồm các phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học sẽ hoạt động vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngoài trời cũng như trải nghiệm ẩm thực, cảnh quan, đua thuyền rồng...

Tại phố đi bộ, thị xã đã bố trí khu vực bán và quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, làng nghề đặc trưng như bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía, mật ong Kim Sơn, bánh kẹo Đường Lâm... Tất cả sản phẩm được bày bán, giới thiệu ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm và được thành phố Hà Nội chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. “Trong tuần đầu tiên tuyến phố đi bộ khai trương đã có hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Chúng tôi kỳ vọng, thông qua địa chỉ này, các sản phẩm đặc sản của vùng đất Sơn Tây sẽ tiếp cận được khách hàng, là cơ sở để các hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - ông Thạo cho biết.

Chị Lê Thị Phượng, thôn Bắc Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), một du khách tham quan tuyến phố đi bộ cho biết: “Mỗi lần tới Sơn Tây tôi đều muốn được thưởng thức các món ăn đặc sản của thị xã và mua một vài sản phẩm về làm quà cho người thân, bạn bè”. Còn với bà Nguyễn Thị Bền, chủ quán chè thạch găng ở cổng Thành cổ Sơn Tây: “Nếu như ngày thường, mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng 100 cốc thạch găng thì trong những ngày phố đi bộ hoạt động, tôi bán được gấp đôi. Đó là điều rất mừng với mỗi tiểu thương chúng tôi”.

Anh Nguyễn Huy Ba, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Đoài Phương (xã Đường Lâm), Hợp tác xã có 7 thành viên, mỗi năm cung cấp ra thị trường 6 vạn gà Mía thương phẩm (2 lứa/năm) và khoảng 1 triệu gà giống. Gà thương phẩm của Hợp tác xã chăn nuôi theo quy trình VietGAP, đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và được thành phố công nhận đạt OCOP 3 sao từ năm 2019. “Tuy vậy, đầu ra cho sản phẩm vẫn khó khăn. Tham gia bán và quảng bá sản phẩm trên tuyến phố đi bộ, Hợp tác xã mong muốn được kết nối với người tiêu dùng, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm gà Mía được tốt hơn” - anh Ba nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, tuyến phố đi bộ đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và khách du lịch đến Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. Thời gian tới, thị xã tiếp tục kết nối tuyến phố đi bộ và các điểm tham quan trải nghiệm khác như làng cổ Đường Lâm để xây dựng không gian văn hóa, vui chơi, trải nghiệm về nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao cho người dân và khách du lịch...

Có thể thấy, việc Sơn Tây khai thác lợi thế du lịch gắn với tiêu thụ nông sản, đặc sản đã tạo nên lợi ích đa chiều, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế của thị xã, đặc biệt là tạo sinh kế cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
  • Tìm về tuổi thơ với 12.000 chiếc đèn đăng và bộ tranh “Ký ức đồng dao” tại núi Bà Đen
    Lần đầu tiên đến với núi Bà Đen, du khách sẽ lạc bước vào thế giới nghệ thuật dân gian với không gian triển lãm độc đáo của 12.000 chiếc đèn đăng nghệ thuật, cùng bộ tranh “Ký ức đồng dao” của hoạ sĩ Hoàng Phong - thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015.
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích đa chiều từ phố đi bộ Sơn Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO