Văn hóa – Di sản

Lễ hội Đền Trấn Vũ 2024: Độc đáo nghi lễ kéo co ngồi

Tô Ngọc Oanh 11/04/2024 16:53

Ngày 11/4 (tức ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch), tại Lễ hội Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) đã tổ chức trình diễn nghi lễ “Kéo co ngồi” - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và giao lưu giữa các cộng đồng thực hành kéo co.

Lễ hội đền Trấn Vũ là dịp để người dân phường Thạch Bàn ôn lại những truyền thuyết từ ngàn xưa về Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần tiêu trừ yêu ma, bảo vệ dân lành, giữ sự bình yên cho muôn dân, vạn vật, cũng là vị thần trị thủy, chống lũ lụt trong quan niệm tâm linh của người dân nơi đây.

z5337882152146_9788494d548badee454c35b423a7550c.jpg
Cộng đồng kéo cõi thôn Phú Hào, xã Nam Thái (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chụp ảnh kỷ niệm trước khi diễn ra nghi lễ kéo co ngồi.

Lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày (mùng 1 đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch), trong đó chính hội là ngày mùng 3 tháng 3, với nghi lễ kéo co ngồi độc đáo. Kéo co ngồi là trò diễn hầu Đức Thánh Linh Lang - vị Thành hoàng của làng Ngọc Trì, xã Cự Linh xưa. Ngày nay, kéo co ngồi là một nghi thức đặc biệt trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3/3 âm lịch gắn với ngày sinh của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.

Thay mặt Ban tổ chức lễ hội Đền Trấn Vũ, ông Vũ Hồng Phi - Phó tiểu ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ trình bày về nguồn gốc hình thành nghi lễ kéo co ngồi, đây là một tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng Cự Linh - xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa - nay là cụm Ngọc Trì phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì có 12 cái giếng. Khi gặp hạn hán, làng chỉ còn giếng thuộc xóm Đìa (hay mạn Đìa) là còn nước. Trai ở mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, quang gánh nước được làm từ dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ nước nên ngồi xuống ôm lấy cả thùng nước. Từ đó, dân làng sáng tạo ra trò kéo co ngồi. Đầu tiên là mạn Đường đứng ra tổ chức kéo co. Mạn Đường dâng hương hoa và lễ vật lên đình lễ Thánh và năm đó họ thắng. Cũng năm đó, cả làng làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu.

Lễ hội đền Trấn Vũ năm nay, ngoài sự tham gia của 3 đội chính là mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa cũng có màn giao lưu với các cộng đồng thực hành kéo co khác gồm cộng đồng kéo co người Tày thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai); cộng đồng kéo cõi thôn Phú Hào, xã Nam Thái (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); cộng đồng kéo song thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

z5337902826550_cd5997d23d5777ae097913dce5ff3504.jpg
Nghi lễ kéo co ngồi với sự tham gia của ba đội chính là mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa.

Mỗi mạn năm nay gồm có 17 người, 1 tổng cờ và 3 ông tổ trưởng, phó điều khiển chốt nêm và rút nêm, hiệu lệnh trọng tài (bằng còi, trống khẩu và loa). Nam kéo co mỗi đội cởi trần, mặc quần cộc màu đỏ, chít khăn đỏ (có in chữ cho từng mạn).

tric.png

Trước khi tổ chức kéo co, ba mạn Đường, mạn Chợ, mạn Đìa dâng lễ vật lên đền lễ Thánh. Lễ vật bao giờ cũng gồm một mâm xôi, thủ lợn và một mâm hoa quả. Sau khi dâng lễ tại đền, đội trưởng của ba mạn tiến hành nghi thức cúng dây. Họ nâng và hạ cuộn dây ba lần trước khi mở và rước dây ra bãi kéo.

xam-2.png
Một số hình ảnh tại nghi lễ kéo co ngồi.

Nét đặc sắc của nghi lễ kéo co ngồi là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co, du khách sẽ thấy rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc được tái hiện lại, thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân Ngọc Trì nói riêng, Thạch Bàn nói chung: cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, một cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Thông qua quyết định về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tại Kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới
    Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
  • Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc
    Múa bồng đã xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều lễ hội và mỗi nơi múa bồng lại có dáng vẻ riêng. Tuy nhiên đến nay chỉ duy nhất ở làng Triều Khúc điệu múa này còn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.
  • Làm "sống lại" trò chơi được vua quan triều Nguyễn yêu thích
    “Đầu hồ” trò chơi truyền thống được vua, hạ thần, quan lại thời nhà Nguyễn yêu thích vừa được “Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) – Đi tìm Hoàng Cung đã mất” ra mắt và du khách có thể trải nghiệm trong Đại Nội Huế.
  • Đề nghị Lễ hội Sayangva vào danh mục Di sản văn hóa
    Lễ hội Sayangva còn gọi là lễ cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới. Đây là lễ hội lớn nhất của người Chơro, thường diễn ra từ rằm tháng 2 đến rằm tháng tư âm lịch hàng năm vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Lễ hội truyền thống này mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
  • Vẻ đẹp của ngôi chùa thờ vị thiền sư đầu tiên được phong hiệu Quốc sư
    Chùa Non Nước tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) không chỉ là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
  • “Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ
    Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Đền Trấn Vũ 2024: Độc đáo nghi lễ kéo co ngồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO