Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và đông đảo cử tri đại diện các phường của quận.
5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 3 (gồm các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy) là: Bà Dương Minh Ánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; bà Đặng Thị Kim Tuyến, chuyên viên Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; bà Phạm Thị Ngọc Yến, Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn bộ phận nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Kim Tuyến có việc đột xuất không dự tiếp xúc cử tri, đã gửi chương trình hành động để Ban tổ chức chuyển tải đến cử tri.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Cầu Giấy giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trình bày chương trình hành động, các ứng cử viên khẳng định, nếu trúng cử, trong quá trình công tác của bản thân sẽ cố gắng, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất thực hiện đầy đủ nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, kiến nghị với Quốc hội có các chính sách lâu dài, ổn định và bền vững trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội, trong đó có quận Cầu Giấy, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, bà Dương Minh Ánh cho biết, bà sẽ giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri; tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Bà sẽ đề xuất các chính sách về phát triển giáo dục, ưu tiên đất để xây dựng trường học; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ và các nghệ nhân…
“Nếu tiếp tục được trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường các nguồn lực đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động và mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân...”, bà Dương Minh Ánh khẳng định.
Ông Nguyễn Phi Thường cho biết, phát huy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông sẽ luôn quan tâm, gần gũi, lắng nghe các ý kiến của cử tri, để chuyển tải mong muốn, kiến nghị, đề đạt của cử tri tới diễn đàn Quốc hội, đồng thời, chuyển các kiến nghị đó tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
“Với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình công tác, bản thân tôi sẽ tích cực tham gia xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, làm sao để chính sách pháp luật gắn chặt với thực tiễn cuộc sống và đời sống, đồng thời, giám sát việc thực thi pháp luật. Đồng thời, trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, tôi sẽ đề xuất những ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn đáp ứng những yêu cầu khi Việt Nam đã thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ông Nguyễn Phi Thường nói.
Ứng cử viên Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, nếu được cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ kiến nghị với Quốc hội có các chính sách lâu dài, ổn định và bền vững như: Nghị quyết về các cơ chế đặc thù trong cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố; tập trung các lĩnh vực giao thông, hạ tầng, nhà ở, cây xanh... để diện mạo thành phố nói chung và quận Cầu Giấy nói riêng ngày càng khởi sắc.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định, với chức trách, nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy, sẽ cùng với các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đặc biệt, 2 chương trình công tác lớn của Thành ủy do ông làm Trưởng ban Chỉ đạo gồm: Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình hành động của bà Đặng Thị Kim Tuyến nêu rõ, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, bà sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, phối hợp với đại biểu HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát; quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động - việc làm; vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phân tích, dự báo thị trường lao động để làm cơ sở định hướng thị trường lao động phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả...
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Yến cho biết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, sẽ huy động trí tuệ của các nhà khoa học, cử tri để tích cực tham gia ý kiến xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động giám sát, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm...
Phát biểu tại hội nghị, cử tri quận Cầu Giấy mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử sẽ thực hiện đúng các nội dung đã đề ra trong chương trình hành động. Cử tri quận Cầu Giấy mong muốn các ứng cử viên quan tâm hơn nữa tới các vấn đề: Nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục và đào tạo; đời sống công nhân, người lao động; tăng cường phát triển hạ tầng giao thông đô thị; kiến nghị chính sách đặc thù cho Hà Nội về chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp; thúc đẩy nhanh các dự án chậm triển khai, tránh lãng phí tài nguyên; giải quyết những bức xúc trong việc trông giữ xe, nhà cho thuê...
Trao đổi về những ý kiến của cử tri quận Cầu Giấy quan tâm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đại diện các ứng cử viên tiếp thu đầy đủ các ý kiến của cử tri. Đồng thời Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định, nếu trúng cử, các ứng cử viên sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân địa phương nơi ứng cử, nơi cư trú và chịu sự giám sát của cử tri; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri, của nhân dân để phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.