Vượt khó, ổn định sản xuất
Chị Nguyễn Thị Đào, ở thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), làm mây - tre - giang đan, chia sẻ: "Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các đơn hàng hầu như không có nhưng gia đình vẫn chuẩn bị nguyên vật liệu. Khi đời sống trở lại bình thường mới, các đơn hàng về dồn dập, việc sản xuất nhờ vậy mà bắt nhịp tốt"...
Tương tự, ông Nguyễn Đình Trung, ở xã Chuyên Mỹ, chuyên sản xuất đồ gỗ, cho biết, càng khó khăn, càng phải nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, giữ ổn định giá cả để chinh phục thị trường. Gần 1 tháng nay, giao thương tốt hơn, gia đình đã xuất được 5 chuyến hàng...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, hiện giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt 4.830 tỷ đồng; thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 66 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 474 công ty, trong đó có 456 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã hoạt động tiểu thủ công nghiệp. Huyện thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, giữ vững nhịp độ sản xuất.
Nhiều kinh nghiệm quý
Để giữ vững tăng trưởng khu vực làng nghề trong khó khăn, theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh, huyện luôn đẩy mạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp gắn liền với phát triển du lịch làng nghề; quảng bá, giới thiệu tiềm năng của làng nghề nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất và thu hút đầu tư. Chương trình của Huyện ủy được chính quyền, các ngành, các xã cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình, dự án... với lộ trình và biện pháp phù hợp.
Thực tế, phát triển làng nghề đòi hỏi sự tập trung đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, nhất là hạ tầng: Điện, đường, mặt bằng sản xuất, môi trường đầu tư, đổi mới công nghệ... Vì vậy, huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới tại các xã. Đặc biệt, Phú Xuyên luôn lấy con người làm trung tâm cho mọi sự phát triển, qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục ý chí, khát vọng làm giàu, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; nâng cao ý thức, niềm tự hào của người dân đối với nghề truyền thống; trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân đối với sự phát triển của địa phương và xã hội.
Thời gian tới, Phú Xuyên tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 4 cụm công nghiệp đã được thành lập để sớm đưa vào hoạt động; tiếp tục bổ sung quy hoạch 18 cụm công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xây dựng cụm công nghiệp. Huyện phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 cụm công nghiệp làng nghề, có 29 cụm công nghiệp được triển khai và quy hoạch với diện tích mặt bằng 836,87ha.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông... gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất; phấn đấu xây dựng hạ tầng 6-10 làng nghề phục vụ du lịch; hình thành tuyến du lịch đi qua các làng nghề, điểm tâm linh, địa chỉ "đỏ" tại các xã: Phú Túc, Phượng Dực, Sơn Hà, Tân Dân, Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ, Chùa Giáng, Bảo tàng chiến sĩ bị địch bắt tù đày; thêm 8 làng nghề được công nhận mới; có từ 10 nhãn hiệu tập thể trở lên được Cục Sở hữu cấp giấy chứng nhận; khoảng 200 sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ "3 sao" trở lên...
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành nghề, từ năm 2011 đến nay, Phú Xuyên lấy ngày 26-10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Huyện đã tổ chức 7 lần lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm cấp huyện và 4 năm cấp xã). Ngày 26-10-2021, kỷ niệm 10 năm ngày vinh danh làng nghề trên địa bàn huyện, trong điều kiện tình hình mới, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người làm nghề thêm tự hào về nghề truyền thống quê hương; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích cao trong xây dựng, phát triển làng nghề vượt qua khó khăn; xây dựng, phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2026 thích ứng bối cảnh mới...