Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa phối hợp với Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 tổ chức hội nghị công bố kết quả “Khai quật sơ bộ, bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông". Theo đó, lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các dấu tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa ở Krông Nô (Đắk Nông) cách đây khoảng 6 đến 7 nghìn năm.
Là người chủ nhiệm đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam (TN17/T06)”, TS La Thế Phúc cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài, năm 2007, ông và cộng sự đã phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa ở thôn Nam Tần, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Năm 2017, ông được giao chủ trì đề tài đột xuất cấp cơ sở: “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông.” Cùng các cộng sự miệt mài khảo sát, tìm kiếm, TS La Thế Phúc đã phát hiện mới hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử như: Rìu đá, cố đá, mảnh gốm… Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện di chỉ khảo cổ tiền sử trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).
PGS.TS Nguyễn Lân Cường kể chuyện phát hiện dấu tích người tiền sử ở Tây Nguyên.
Vui mừng kể về câu chuyện khảo cổ đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đến ngày 15/12/2017, kết quả thăm dò khảo cổ hang động núi lửa này phát hiện xương chồi lên. Ngay sau đó, ông đã đến Krông Nô, vào hang để xem chiếc "xương chi người" chồi lên như lời kể. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, chiếc xương giống xương chày người thật nhưng đầu xương chày lại là xương chày của hươu nai.
Tháng 3/2018, trong những mẫu vật ở hang C6-1, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phát hiện 1 chiếc răng khôn bên phải hàm trên của người xen lẫn các công cụ đá, xương động vật của lớp 3-1 ô C2. Tuy nhiên, mặt nhai của chiếc răng đúng nhưng răng lại có đến 4 chân răng trong khi răng này chỉ có từ 1-3 chân. Gửi hình ảnh cho GS.TS Hirofumi Matsumura (Nhật Bản), ông đã nhận được câu trả lời: đúng răng người.
Đến ngày 22/3/2018, khi đào ở vách Tây của hang C6-1 đoàn đã phát hiện ra một đoạn xương đùi và xương chày của một cá thể trưởng thành. Hai ngày sau, đoàn khảo cổ tiếp tục phát hiện được bộ xương trẻ em trong hố khai quật. Bộ xương này được xác định của một em bé gái 4 tuổi.
Phiên bản di cốt người tiền sử (em bé 4 tuổi). Ảnh: HT
Bộ hài cốt này đã được PGS.TS Nguyễn Lân Cường tháo dỡ từng phần của hộp sọ và các phần khác của xương. Hộp sọ vỡ thành hơn 100 mảnh, còn giữ lại ở hàm trên 9 răng sữa, hàm dưới 8 răng sữa. Một điều đáng chú ý là vì đây là sọ của trẻ em 4 tuổi nhưng răng cửa sữa mòn vẹt. “Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta, một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc… họ đều phát biểu rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động. Chúng ta hy vọng rằng việc tiếp tục khai quật hang động này vào năm 2019 sẽ tìm được hộp sọ của người trưởng thành. Đó là bằng chứng chính xác để tìm hiểu về người cổ sống ở Tây Nguyên” – PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Tổng giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, đối với giới khoa học, đây là một phát hiện gây “chấn động” bởi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống của con người thời tiền sử ở Đông Nam Á và rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới. Đồng thời, những kết quả bước đầu thu được trong đợt khai quật khảo cổ năm 2018 tại hang động núi lửa Krông Nô có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Những phát hiện đó là một chứng cứ khoa học có giá trị để bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu “toàn cầu” đối với Công viên địa chất Đăk Nông”.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, chủ trì khai quật sơ bộ di tích này cho rằng những kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô chỉ là bước đầu. Cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, phân tích ADN giám định thành phần chủng tộc người, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây… phác dựng quá khứ xa xưa của cư dân tiền sử trên đất Đắk Nông. “Các di sản khảo cổ học ở đây là di sản độc đáo, duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á nên cần có những hành lang pháp lý bảo tồn và phát huy di sản. Trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt.” – PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đề xuất.
Tán đồng với quan điểm với PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, TS La Thế Phúc cũng kiến nghị cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích. Hiện vật khai quật cần được bảo quản, lưu giữ cẩn thận để sử dụng lâu dài; phải chế tác nhiều phiên bản đối với hiện vật quý hiếm, độc bản như di cốt người để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và trưng bày bảo tàng ngoài trời, bảo tàng tại chỗ. Hơn nữa, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo tồn, quản lý và khai thác giá trị của di sản, đặc biệt là di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa.