Tài khoản facebook Tuan Kiet khoe ảnh một số con chim quý bị giết thịt khiến cư dân mạng phẫn nộ. (Ảnh facbook cá nhân)
Ngay sau khi hình ảnh giết chim (chủ tài khoản giới thiệu nguồn gốc ở tỉnh Tây Ninh) được đăng tải lên trang Facebook cá nhân, cư dân mạng đã để lại nhiều lời chỉ trích như: “Giám đốc gì mà man rợ thế”; “sếu đầu đỏ, hành vi đáng lên án”…
Tuy nhiên, một số thông tin lại cho rằng đó chỉ là chim cao cát phương đông (cao cát bụng trắng) là một loài trong họ hồng hoàng. Ở Việt Nam, loài này có nhiều ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Bắc Bình Thuận, và một số các tỉnh Trung Bộ giáp biên giới Lào và Campuchia.
Trao đổi với phóng viên, một số nhà bảo tồn cho rằng, nếu hình ảnh đúng là chim hồng hoàng (còn gọi là phượng hoàng đất) thì đây là một loài chim quý, thuộc nhóm sách đỏ cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, loài chim này thường sinh sống sâu trong rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Bình Phước.
Thế nhưng, do việc mất môi trường sống đang diễn ra cũng như bị săn bắn ở một số nơi (mỏ loài chim này đắt gấp 3 lần ngà voi-6.150USD/kg) nên hồng hoàng được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp.
Chính vì thế, việc tận diệt, giết hại chim quý trong sách đỏ cần bảo tồn là hành vi phạm pháp cần phải lên án, và phải xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đề cập đến hướng xử lý, bà Bùi Thị Hà, phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) khẳng định, nếu là chim hồng hoàng thì theo quy định pháp luật, khi giết 1 cá thể đã phải xử lý hình sự theo điều 244 Bộ luật hình sự. Tức là, áp dụng mức hình phạt từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt từ từ 1-5 năm.
Qua xác minh từ Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, hình ảnh chia sẻ trên trang cá nhân nói trên thuộc loài chim cao cát bụng trắng (tên khoa học là Anthracoceros albirostris). Loài chim này nằm trong Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Theo đó, mọi hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép đối với loài này hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép đối với sản phẩm, bộ phận của loài này đều là hành vi vi phạm pháp luật.
“Các hành vi này tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân) hoặc xử lý hình sự (tối đa lên đến 12 năm tù đối với cá nhân) theo quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP) hoặc Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017),” bà Hà nhấn mạnh.
Phó giám đốc ENV cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, có không ít các đối tượng săn bắt và giết hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm rồi đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook để “khoe khoang.”
Vì thế, ENV đặc biệt lên án những hành động gây tổn hại đến đa dạng sinh học này và đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc để làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng có liên quan cũng như xử lý nghiêm các đối tượng này theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Trước đó, chiều 25/11, một tài khoản facebook khác có tên là Phan Hợi cũng đã phát tán một đoạn video dài 6 phút ghi lại cảnh giết thịt cá thể khỉ man rợ.
Nội dung đoạn video cho thấy, cá thể khỉ rất lớn, chừng 10kg bị nhóm khoảng 3 thanh niên trói chặt rồi giết thịt. Ghê rợn hơn, nhóm người này còn lấy bộ óc của khỉ để ăn sống và uống rượu tại chỗ.
Thông tin ban đầu cho biết nhóm người đàn ông có hành vi giết khỉ được xác định cư trú ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đoạn video giết khỉ này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội gây sự phẫn nộ cho người dân../.