Phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải đến các cơ sở điều trị đều đặn mỗi ngày
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế - Methadone bắt đầu thí điểm triển khai từ năm 2008. Việc dùng thuốc methadone và buprenorphine được coi là một phương pháp điều trị giúp cho người nghiện từ bỏ heroin, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tình trạng sử dụng các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp. Đồng thời, giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy ra cộng đồng.
Tuy nhiên, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine là điều trị lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân hàng ngày phải đến các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone uống thuốc, nên rất khó khăn cho những bệnh nhân khi đi làm ăn xa, công việc không ổn định, nhà ở xa cơ sở uống thuốc nên cũng ảnh hưởng đến việc tham gia vào chương trình và tuân thủ điều trị. Do đó tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị cao, đại đa số sau khi bỏ là không liên lạc được, nên rất khó khăn về việc tư vấn cho bệnh nhân quay lại điều trị. Việc đóng phí gặp rất nhiều khó khăn với bệnh nhân là hộ nghèo, bệnh nhân không có thu nhập ổn định, bệnh nhân sống độc thân; dẫn tới bỏ điều trị.
Nếu không được quản lý nghiêm ngặt, bệnh nhân tham gia điều trị bằng phương pháp này sẽ dễ dàng lợi dụng sơ hở để vi phạm. Qua công tác nắm tình hình trên địa bàn, Công an tỉnh Lai Châu đã nhận được nhiều thông tin về các trường hợp đang tham gia chương trình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế có nhiều biểu hiện như đang “phê” ma túy. Đặc biệt, có nguồn tin cho biết, các đối tượng lợi dụng việc tập trung uống thuốc thay thế để mua bán ma túy. Khi có tiền, các bệnh nhân vẫn tìm mua ma túy để sử dụng. Việc sử dụng song song thuốc thay thế và ma túy ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, gây hại tới sức khỏe bệnh nhân. Mặt khác, tăng liều lượng thuốc dẫn đến chi phí điều trị gia tăng.
Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt, xác minh làm rõ và phối hợp với các lực lượng y tế và biên phòng để triển khai lực lượng tổ chức xét nghiệm nhanh bằng que test ma túy đối với các trường hợp tham gia uống thuốc thay thế. Mặc dù lượng que thử được cấp phát còn rất hạn chế nhưng lực lượng Công an các huyện, thành phố đã chủ động bố trí kinh phí mua và đề nghị cơ quan y tế hỗ trợ que thử để triển khai khẩn trương, nhanh chóng trên toàn tỉnh.
Tính đến ngày 15/10/2021, Lai Châu đã thực hiện xét nghiệm đột xuất đối với 1.406 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 64,3% tổng số bệnh nhân). Kết quả: 379/1.406 người được lấy mẫu nước tiểu cho kết quả dương tính với ma túy (chiếm 26,96%). Đây là những con số đáng báo động về thực trạng điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Việc sử dụng que test ma túy giúp phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh nhân sử dụng ma túy song song trong quá trình điều trị thuốc thay thế, nhằm đưa ra những hướng điều trị hiệu quả, quản lý chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu cũng đã chủ trì Tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh công tác rà soát, xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ quản lý và công tác đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đại diện Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng,… Hội nghị đã thống nhất ban hành 2 Công văn về tăng cường công tác rà soát, xét nghiệm sử dụng ma túy đối với các trường hợp tham gia chương trình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế và hướng dẫn lập hồ sơ quản lý, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Đây là những văn bản quan trọng, hướng dẫn các đơn vị giải quyết triệt để tình trạng sử dụng song song thuốc thay thế và ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế đã đem lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên công tác quản lý còn nhiều sơ hở, thiếu xót, để bệnh nhân vi phạm. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là cơ quan Y tế cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng Công an, Biên phòng siết chặt công tác quản lý bệnh nhân, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế.
Đồng thời, cần trang bị cho các địa phương que test ma túy, đặc biệt là loại có 5 chân (có khả năng thử được cỏ Mỹ) để kịp thời xét nghiệm, phát hiện các bệnh nhân dùng ma túy trong quá trình điều trị thuốc thay thế. Từ đó, nắm rõ được hiện trạng để đưa ra những phương án điều trị tiếp theo, có thể đưa bệnh nhân đến các cơ sở cai nghiện tập trung để đạt được hiệu quả tích cực nhất.
Công an Lai Châu là lực lượng tiên phong trong công tác đấu tranh và điều tra việc bệnh nhân sử dụng methadone và buprenorphine song song với sử dụng ma túy. Để có con số chính xác về thực trạng điều trị nghiện bằng methadone và buprenorphine trên cả nước, cần thiết phải có một cuộc tổng kiểm tra toàn quốc, làm rõ việc các bệnh nhân sử dụng song song ma túy trong khi điều trị bằng thuốc thay thế.