Lại bàn về mâm ngũ quả

Yên Giang| 25/01/2023 07:27

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất trong một năm của người Việt. Nghi lễ trang trọng trên hết trong mấy ngày Tết là thờ cúng tổ tiên. Lễ vật dâng cúng, ngoài các vật phẩm như bánh chưng, trầu cau thì việc bày sắm mâm ngũ quả là việc làm hàng đầu của mọi nhà, bất kể giàu nghèo.

78215-chuan-bi-cung-ong-tao-ngay-tet-700x394.jpg

Về ý nghĩa của mâm ngũ quả, nhiều người đã bàn luận có ý cho rằng: Nhân dân ta khởi đầu và ngay cả ngày nay, phần lớn làm nghề nông. Việc dâng cúng sản vật nông nghiệp trước tổ tiên, trời đất, thần linh - những thế lực siêu nhiên đã phù trợ cho mùa màng cây cối tươi tốt bội thu là việc làm mang nghĩa hàm ơn. Việc dâng cúng hoa quả còn nhấn mạnh truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Rồi có ý cho rằng để ca ngợi trình độ thẩm mỹ của người xưa khi bày mâm ngũ quả. Với sự kết hợp màu sắc giữa các loại quả, sự khéo léo trong cách sắp xếp, quả nhiên mâm ngũ quả như một tác phẩm tạo hình hoàn mỹ. Không chỉ đẹp mắt, mỗi thứ quả còn lặng lẽ tỏa hương thơm đặc trưng làm cho không gian Tết thêm tinh khiết nồng nàn, có tác dụng thư giãn, di dưỡng tinh thần…
Nhưng vì sao lại chỉ gọi là mâm ngũ quả (tức năm thứ quả) mà không gọi là mâm lục (sáu) hoặc thất (bảy) quả, trong khi số quả được bày trên mâm có thể tới hàng chục loại?

Về con số 5 này, cũng đã có nhiều lời bàn. Nay xin được nói kĩ thêm.
Ngũ là năm, số 5 là con số xuất phát từ quan niệm triết học cổ xưa: Thuyết ngũ hành của văn hóa phương Đông cho rằng vũ trụ này là do 5 yếu tố vật chất tạo thành. Đó là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim loại, gỗ, nước, lửa, đất).

Con số 5, theo tượng số học phương Đông, còn là con số sinh. Trong chín số tự nhiên từ 1 đến 9, số 5 được đặt ở trung tâm Lạc thư (1) (còn gọi là ma phương - hình vuông kỳ lạ). Trong hình vuông kẻ 9 ô, đặt 9 con số ấy, nếu ta cộng ba con số theo chiều dọc, chiều ngang, chiều chéo, đều được tổng là 15.

Từ xa xưa tầng lớp trí thức Việt Nam đã rất am hiểu thuyết âm dương, ngũ hành, Kinh Dịch, Khổng Tử… Hẳn vì thế, nhiều kiến thức văn hóa, triết học đã được ứng dụng vào đời sống thường nhật, trong đó có quan niệm về con số 5 tốt đẹp như: ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc đến nhà: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh); ngũ thường (5 đức tính của người quân tử) trong “tam cương, ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, chí, tín); cờ ngũ hành (cờ hội làng năm màu); chỉ ngũ sắc, mứt ngũ vị, nước ngũ hương… Và thật không phải ngẫu nhiên, lúc sinh thời, để khuyên bảo thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ cũng khuôn vào 5 điều giáo huấn (5 điều Bác Hồ dạy).
Quan niệm triết học của con số 5 ấy đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của người Việt từ xưa và trở thành con số thiêng. Việc ứng dụng nó vào đời sống lâu dần hóa hiển nhiên không cần lý giải ngọn nguồn, đặc biệt mỗi khi Tết đến, xuân về, gia đình nào cũng chăm chú việc sửa bày mâm ngũ quả.
Thật là một mỹ tục ta nên cùng nhau gìn giữ, phát huy.
.........................................................................

(1) Lạc thư: Tương truyền vua Đại Vũ nhà Hạ (2205 - 1766 TCN) sau khi trị thủy thành công, trời cho hiện ra trên sông Lạc một con rùa thần, trên mai có ghi các khoanh tròn nhỏ biểu hiện các con số từ 1 đến 9.

Bài liên quan
  • Mâm ngũ quả - đặc trưng không thể thiếu trong cái tết Việt
    NHN Online - Mâm ngũ quả là  một trong những thứ không thể thiếu trong ngà y Tết người dân Việt Nam. Mang nhiửu ý nghĩa tâm linh như thử cúng tổ tiên, mong ước năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiửu may mắn ... mâm ngũ quả luôn được đặt trang trọng chính giữa bà n thử mỗi nhà .
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lại bàn về mâm ngũ quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO