Hướng tới nơi đảo xa
Theo thời gian, có thể kể đến một số tác giả viết du ký biển đảo Bắc Trung Bộ nổi bật như Mẫu Sơn Mục N.X.H, Đào Hùng, Nguyễn Trọng Thuật, Phan Thị Nga, Thúc Anh, N.Q.T, Vĩnh Phúc, Từ Lâm, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Công, v.v…
Thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định)
Khởi đầu, ký giả bút danh X trong chuyến du ngoạn Đi chơi Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu Nam (Kỳ địa phận, số 465 năm 1918) ghi chép chi tiết việc đi từ Sài Gòn ra Huế rồi phải ngược cảng Đà Nẵng theo đường biển ra Bắc: “Ngày 15 Octobre (1917) - Chúng tôi muốn đi đường đất ra Hà Nội, là đi xe lửa ra Đông Hà, rồi đi xe hơi ra Vinh, bắt xe lửa đi thẳng ra Hà Nội, có ý cho biết Nghệ An, vì đi tàu hoài thì bắt nhàm lại sợ dại sóng mửa, song rủi quá, vừa sắm sửa đi thì có nước lụt, đường sá đứt hết, nên túng phải trở lại Tourane mà đón tàu đi ra Hà Nội. Vậy sáu giờ rưỡi ra xe lửa tại Huế đi tới Tourane chín giờ rưỡi. Ở đó chơi, coi thành phố, vì mắc đợi tàu trong Sài Gòn ra... Ngày 16 Octobre. - Tàu kỳ hẹn lần hối từ sớm mai, nên chúng tôi mướn đò ra ngoài khơi đợi tàu. Đợi hoài tới trưa, kiến cắn bụng, trở vô thì sợ trở ra trễ, nên túng thế phải tấp vô một cù lao nhỏ gần đó, nào tôm cá, gà, nước mấm, gạo, ăn một bữa đó thiệt là ngon quá, còn thiếu một món mấm sống chuối chát mà thôi, và may đâu lại kiếm được một nhạo rượu An Nam cũng là nhứt hạng. Tình cờ may được ăn như vậy mà ngon muốn nức bụng, không thôi phải nhịn đói thót ruột lên cổ, vì tàu trễ chiều hai giờ mới tới, không lẽ ở giữa biển uống nước biển làm no, hay là nhai đỡ mui ghe cho khỏi đói… Tàu này là tàu Manche nhỏ hơn tàu về Tây nhiều lắm. Nhỏ thì không sao, song nó nhảy sóng hơn các chiếc tàu khác, nên còn gì ruột gan. Ăn bao nhiêu thì phải hoàn lại cho cá dưới biển hết; lại đang mạnh mẽ như thường mà hóa ra như liệt nhược gần chết, nằm trên giường không cựa quậy, mắt nửa nhắm nửa mở, ụa không biết là mấy cái ụa. Chuyến tàu nầy có mấy thầy thông làm việc Thượng thơ ra Hà Nội học trường Luật, và có học trò trường Thuốc nữa. Ba giờ sau, nghĩa là năm giờ chiều thì tàu kéo neo chạy ra Hải Phòng”...
Ký giả Mẫu Sơn Mục N.X.H trong tác phẩm du ngoạn đường trường Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn nêu khái lược quang cảnh và đời sống phố phường ven biển miền Trung: “Cứ theo rìa bể đi được một lúc thì đến Tourane. Tourane là cái vịnh rất tốt cho tầu bè, vả lại gần trung tâm điểm nước ta bây giờ là Huế, cho nên khi nước Đại Pháp mới sang lấy Tourane là nơi căn cứ. Tourane này là một cái thành phố nhỏ, trên bến dưới sông, thuyền đánh cá như lá tre, chợ búa phố xá, nhà máy gạo, buôn bán cũng vui. Ở đấy có nhiều người Mọi ra chợ. Rồi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai thành phố này là thành phố cổ. Quảng Ngãi buôn bán sầm uất hơn Quảng Nam… Qua Bình Định một lát thì đến Quy Nhơn. Quy Nhơn là một cái thành phố ở bờ bể. Sau lưng và ở giữa bể đằng trước mặt đều có núi, phong cảnh cũng đẹp; phố xá buôn bán cũng vui, có nhiều hiệu sách to, họ thu yến sào và vây cá. Nhiều chú lấy vợ người Bình Định, cũng ngồi bán hàng. Ở Bình Định và Quy Nhơn đã bắt đầu có những tháp của người Hời (người Chiêm Thành) còn di tích lại. Chúng tôi ngủ ở Quy Nhơn một tối” (Nam phong tạp chí, số 129, tháng 5/1928)...
Khoảng hai năm sau, Đào Hùng cùng nhóm phóng viên từ Sài Gòn ra Bắc du lãm những nơi danh sơn thắng tích và phỏng vấn các nhà trí thức đã viết bài Thăm cửa biển Thị Nại, lên núi Hoành Sơn, viếng mộ Tây Sơn, trong đó có kể chuyện đến Quy Nhơn và thăm cảng Thị Nại:
“Đến 12 giờ rưỡi trưa thì xe tới Qui Nhơn. Chúng tôi xuống vào hàng ăn uống nghỉ ngơi, đợi tới buổi mát trời sẽ đi thăm bến tàu Thị Nại.
Bến Thị Nại ngày nay kêu là Bến Cũ, các tàu bè không vào được vì bến cạn nên phải vào bến mới là bến Qui Nhơn bây giờ. Ngày xưa vua Gia Long giao chiến với Tây Sơn ở bến nầy bị thất bại, các chiến thuyền bị phá tan, người ta nói rằng lúc ngài đang cơn nguy cấp thì gặp được một ông chài cứu, bơi ghe đưa ngài chạy trốn. Lúc qua làng Vinh Quang chẳng may đứt mất quai chèo; ông chài thấy việc rủi ro thì hoảng sợ la lên. May đâu trên bờ lúc đó có một bà già đứng quay tơ, thấy vậy liền liệng cuộn tơ cho ông chài, thành ra nhờ đó mà vua Gia Long thoát thân. Khi phục quốc, ngài nhớ tới ơn hai người cứu tử nên miễn thuế cho hai làng là thôn Dương Thiện, quê quán ông chài và thôn Vinh Quang, quê quán bà quay tơ; mãi tới cách hai năm nay chánh phủ mới bỏ cái lệ ấy đi mà bắt dân đóng thuế như các làng khác, ấy là lần thứ nhứt từ đời Gia Long.
Bến Thị Nại chẳng có chi là khác lạ, chỉ là một cái eo biển, xa xa có một dặng núi chắn ngang. Trước kia chẳng biết nước sâu tới chừng nào mà các ghe thuyền giao chiến được, chớ ngày nay thì nông cạn lắm, chỉ ghe nhỏ mới vào được, con nít đùa giởn thường vẫn dắt nhau lội ra tận ngoài mà chơi” (Phụ nữ tân văn, số 73, ra ngày 2/10/1930)...
Trong bài viết Nam du đến Ngũ Hành Sơn in liền hai kỳ trên Nam phong tạp chí (số 184 - 185, tháng 5+6-1933), nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940) kể về chuyến đi xe lửa đến đất Đà Nẵng: “Hết phận núi Hải Vân là vào địa hạt Quảng Nam. Vùng này sản mít, vườn trong làng trồng nhiều (…). Đồng điền thì gần núi với bãi cát cũng không được tốt, nhưng cấy lúc nào cũng được ăn. Bấy giờ mới tháng hai ta mà có ruộng thì đang rỗ, ruộng thì mới cấy. Bãi cát vùng này thấp liền với bờ bể, cũng bát ngát nhiều lắm, cũng trồng nhiều cây dương. Qua mấy ga Lăng Cô, Linh Điểu, Dũng Thùng, Nam Ổ… thì đến Cửa Hàn”…
Dưới đề mục số 11 - Phong cảnh Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Trọng Thuật tường tả lại chuyến đi thăm núi Ngũ Hành, qua đò Hàng Thông đến làng Mỹ Khê, thăm chùa Linh Ứng – Non Nước, thăm các hang động, trèo lên đỉnh núi rồi vòng về tắm biển. Đan xen giữa các trang ghi chép đó là những đoạn bình sử, lược thuật di tích người Hời, người Nhật Bản, Đại Minh và công việc điêu khắc đồ đá mỹ nghệ: “Ngũ Hành Sơn là một chòm núi bằng đá hoa lô nhô… Chòm núi ấy có năm quả lớn gần nhau, người ta lấy tên năm vị sao là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ mà đặt tên cho từng quả một mà tóm gọi là Ngũ Hành Sơn. Quả núi có thắng cảnh cho khách đến xem là Thủy Tinh Sơn, tên nhà chùa gọi là Phổ Đà Sơn. Núi ở liền chân bãi bể, lên một đường xuống một đường. Cũng không cao lắm. Núi có hai cảnh chùa, cũng gọi là chùa Non Nước hay là Linh Ứng. Đường lên vòng vào chùa trong trước rồi mới ra chùa ngoài.”
Ngay trong chiều hôm ấy, Nguyễn Trọng Thuật cùng nhóm bạn tiếp tục thong dong dạo chơi nơi phường phố. Dưới đề mục số 12 - Dạo xem thành phố Cửa Hàn, nhà văn phác thảo cảnh phố xá và kể lại chi tiết chuyến viếng thăm cổ viện Chiêm Thành: “Chúng tôi xem khắp cả mà xem kĩ lắm, không khỏi thán phục cái tài kiến trúc và chạm đá của những ông địa chủ cũ ở đây. Song có thể biết được cái cớ sở dĩ có văn hóa, có kĩ xảo như thế mà đến nỗi quốc vong chủng diệt, là vì những cái văn hóa kĩ xảo ấy chỉ là cái của đặc biệt dùng về tôn giáo hoặc cung cho quí phái mà thôi. Còn toàn thể dân trí dân sinh thì vẫn ngu hèn bần khốn, chưa từng khai hóa gì. Cho nên nhất đán chỗ then chốt hư hỏng thì toàn thể đồ nát hết không sao vãn hồi được nữa.”
Hành trình ra biển lớn
Gắn với bản lĩnh người miền Trung, nữ ký giả Phan Thị Nga dũng cảm vượt biển ra tận nơi khai thác yến sào ở Cù Lao Yến (nay thuộc tỉnh Quảng Nam), phương tiện chỉ có ghe thuyền nhỏ, chấp nhận sóng gió, chấp nhận hiểm nguy: “Dựa cột buồm, đạp mạnh hai chân trên ván thuyền, tôi đứng vững như một nữ tướng ra binh. Ba mái chèo đập, giọt nước sáng tung rơi trên lát chèo trắng như bạc. Sóng đưa cao, đưa cao… Lẹ làng, sóng xuống thấp, xuống thấp!... Chiếc thuyền dúi mũi xuống mặt nước như dỡn chơi… Nền trời sâu thẳm, nhìn mặt biển mênh mông, nhìn sóng bập bềnh, tôi vui sướng vì đã vào vòng nguy hiểm” (Ra Cù Lao Yến. Ngày nay, số 10+11, tháng 4+5/1935)…
Xem xét các tác phẩm du ký viết về biển đảo vùng Bắc Trung Bộ cần đặc biệt chú ý đến ký sự Một tuần ở đảo Hoàng Sa, có ý nghĩa như một du ký công vụ của Vĩnh Phúc, ghi chép về những ngày đến thăm, kiểm tra quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và các điểm đảo Boisée (Phú Lâm), Drummond (Duy Mộng), Pattle (Hoàng Sa) và ngang qua các đảo Robert (Hữu Nhật), Duncan (Quang Hòa) do nhà nước Việt - Pháp đương thời quản lý, tiếp nối việc nắm giữ chủ quyền liên tục từ nhiều thế kỷ trước… Trên thực tế, vào thời điểm năm 1938, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn có hải đăng do chính quyền nhà nước Việt – Pháp kiểm soát, có các đội lính tập An Nam trấn giữ và cho phép người Nhật đến khai thác phosphate và hải sản. Trong tâm thế người ra thăm, kiểm tra biển đảo, Vĩnh Phúc nhấn mạnh vấn đề chủ quyền, vẻ đẹp, sự hùng vĩ, giàu có và “sự lợi ích” về kinh tế, nghề cá, giao thương, khai mỏ, việc dụng binh, bảo vệ an ninh hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa:
“Thông báo hạm La Marne từ giã Tourane dưới một bầu trời quang đãng, ít sóng ít gió. Mặt bể đem lại cho tôi một cái cảm giác khoan khoái chạy khắp mình. Đảo Paracels cách Tourane 300 cây số và Hải Nam 250. Cứ theo tốc lực chiếc thông báo hạm nầy thì ngày hôm sau mới đến…
Tàu bỏ neo ngoài khơi vì gần đảo rất cạn, vả lại có một dãy đá mọc dài dưới nước rất nguy hiểm. Ngồi dưới xuồng đi từ từ vào đến đất, cặp mắt thật đã được hưởng những phút vô cùng khoái lạc. Mấy bãi cát xa xa dưới lớp nước rất cạn, phản chiếu ánh mặt trời thành một màu lục tuyệt đẹp. Nước trong một cách lạ. Đáy sâu gần 3, 4 thước nhưng trông rõ như cách vài gang. Những mô đá, những cây san hô đủ màu: xanh, đỏ, trắng, tím, lục,... dưới đáy nước giống như một bức gấm thêu, lồng dưới một tấm thủy tinh dày... Đảo Boisée cũng khá to. Đi bộ vòng quanh đảo cũng mất chừng hơn 1 giờ rưỡi. Có vài khóm cây to, còn thì toàn một thứ cây cành to bằng cổ tay nhưng gỗ rất mềm, lá dài không cao quá đầu người, mọc khắp đảo. Không có một con thú vật gì, trừ một thứ chim muông (mouetté) bay từng đàn rất đẹp nhưng thịt lại hôi, không ăn được. Lánh mình vào giữa đảo, lá vàng rụng đầy đất, bước lên êm như đi như trên thảm. Không một tiếng động, trừ ra tiếng sóng vỗ bờ xa xa: thật là một cảnh êm đềm như mộng...
Trong khi tàu bỏ neo trước đảo Brummond, tối đến đã thấy tận chân trời một ngọn đèn phare nhấp nháy. Ngọn đèn ấy của Sở Địa dư Đông Dương đặt ở đảo Patle từ Novembre 1937 để giúp các nhà hàng hải tránh sự hiểm nghèo quanh quần đảo ấy trong những đêm gió bão mịt mù… Trưa hôm sau tàu mới đỗ trước đảo Patle. Đảo nầy cũng bé nhỏ hơn đảo Boisée, nhưng quan hệ hơn là vì nó nằm gần bờ bể Đông Dương nhứt. Cũng như ở ba đảo kia, đảo nầy không có cây to… Ngọn đèn phare đặt về phía tây đảo, thắp bằng hơi đá (acétylène), sáu tháng phải ra thay một bận. Cách đó chừng 100 thước có một cái miếu nhỏ; sau miếu lại có một tượng đá hình người đàn bà chắp tay trước ngực. Tượng cao chừng 1m50, chạm trổ rất đẹp… Trên đảo Patle hiện nay là nơi căn cứ của đội lính tập An Nam. Chánh phủ không những muốn lập ở đó một đài thiên văn, còn muốn làm nơi trú ngụ cho những người chài lưới An Nam ra đó làm nghề.
Tôi không muốn bàn những sự lợi ích về việc dụng binh hay là một vấn đề gì khác, tôi chỉ tiếc ở dãy Tây Sa còn biết bao nhiêu mối lợi có thể nuôi sống biết bao nhiêu là gia đình. An Nam bấy lâu chỉ lo bo bo quanh nhà để chịu đói cực. Không kể đến những mỏ phosphate, riêng một nghề câu cá cũng đủ làm giàu. Nhiều thủy thủ đứng trên tàu La Marne, thả sợi dây có lưỡi câu móc miếng thịt bò mà cũng có thể kéo lên được nhiều con cá rất to và rất ngon. Nếu người ta biết dùng những khí cụ thích hợp thì kết quả tất phải mỹ mãn lắm” (Tràng An báo (Huế), số 345, ra ngày 9/8/1938)…
Khác biệt hơn, Từ Lâm trong du ký trong Nghỉ mát ngoài cửa bể Thuận An in đậm phong cách ghi chép, ký sự và tập trung phản ánh sự hoang vắng, xuống cấp của một bãi biển từng đông vui và cuộc sống vất vả của người dân chài: “Buổi bình minh, người ta kéo ghe xuống bể đánh cá, ta sẽ hồi hộp nếu thấy chiếc ghe bị sóng đưa bổng lên rồi lại hạ thấp xuống mấy mươi phen, tuy vậy mà sáu tay chèo vẫn còng lưng ra sức chống với sức “thần sóng”… Nếu nhận kỹ thì thấy sáu người thuyền chài ấy đều không quần, không áo, họ đã theo đạo “khỏa thân” vì nghề nghiệp, mà cũng vì nghèo! Họ nghèo lắm, đi từ sáng đến chiều, có khi họ chỉ lưới được sáu, bảy con cá chim. Lần nào bắt được vài con cá thu, lần ấy họ đã cho rằng có Thần Tài ủng hộ… Nếu cửa Thuận đông người tới nghỉ mát thời họ bán cá được đắt, còn không họ phải bán “buôn” cho những tay buôn cá lên Huế”; từ đó bộc lộ nguyện ước: “Chúng tôi mong rằng cửa Thuận An một ngày kia trở lại thời kỳ phồn thịnh, đông người tới làm nhà, buôn bán để những khách du lịch ở xa tới khỏi chép miệng mà than” (Tràng An báo, số 428, ra ngày 16/6/1939…
Vào cuối thời thực dân Pháp, ký giả Mãn Khánh Dương Kỵ đã cùng một người bạn cất công đi từ Đà Nẵng dọc theo đường quốc lộ ven biển rồi ngược lên thăm vùng đất cổ Đồng Dương (nay thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình): “Lễ Pâques! Một cơ hội cho tôi được nghỉ để đi ngược lại giòng thời gian trở lui về thế kỷ thứ IX, vào làng Đồng Dương (Quảng Nam) mà thăm kinh đô Indrapura xưa của nước Chiêm Thành… Hàn (Tourane) uể oải trong nắng gay gắt, cơn nắng đầy màu sắc của miền trung xứ Trung Kỳ... Vĩnh Điện bồn chồn trong ánh chiều vàng, gợn sóng nhẹ nhàng huyền ảo như tà áo lả của nàng thiếu nữ đang mơ trong gió... Vĩnh Điện là nơi dừng chân rất tiện cho khách du lịch muốn dùng xe đạp đi thăm các vết tích Chàm ở Quảng Nam; tháp Bằng An cô đơn bên vệ đường Viễn Điện, Kỳ Lam; Trà Kiệu (Sinhapura) chìm ngập trong lớp nhà cửa, đền chùa của người Việt: Mỹ Sơn (đền Bhadrecvara) lở lói trong thung lũng hoang vu và Đồng Dương là kinh đô Indrapura của nước Chiêm Thành về thế kỷ thứ I” (Tri tân tạp chí, số 107, ra ngày 12/8/1943)...
Một vùng duyên hải không nhiều đồng bằng, một vùng bờ biển với những dãy núi chạy dài áp sát cửa biển và một vùng biển đảo xa rộng quy định đặc điểm Địa – Văn hóa, sinh thái sắc nét cho thể tài du ký viết về vùng Bắc Trung Bộ, kể từ Quảng Bình đến Bình Định. Theo cách nói của Vĩnh Phúc, biết bao thế hệ trong quá khứ “chỉ lo bo bo quanh nhà để chịu đói cực” thì đến những năm đầu thế kỷ XXI này đã và đang vươn ra khơi xa, giữ vững chủ quyền đất nước và làm giàu trên biển đảo quê hương…
Đón đọc kỳ tới:
Du ký về biển đảo Phú Yên – Bắc Bình Thuận nửa đầu thế kỷ XX.