Lễ hội tháng Giêng ở Đền Và, là dịp tập trung nhất để dân trong vùng suy tôn công đức Vô Sơn Dữ Tề (không có núi nào cao hơn) của Tản Viên Sơn Thánh. Đây cũng là dịp diễn lại tích Thánh Tản tắm dội bên bờ sông Hồng như truyền thuyết đã kể.
Từ năm 1954 đến nay, lễ hội được tổ chức trở lại vào các năm 1957, 1999.
Vì có dân của nhiều làng trực tiếp tham gia lễ hội, đặc biệt là tổ chức đám rước lớn qua sông Hồng, nên từ trước đó hàng tháng, Ban tổ chức đã phải họp bàn nhiều phiên để cắt cử, sắp đặt công việc sao cho phối hợp đồng bộ, an toàn.
Lễ hội đền Và là lễ hội đông vui và lớn nhất của xứ Đoài.
Phần việc nặng nề và hệ trọng nhất là việc ghép bè mảng (nay có thêm sà lan trọng tải lớn) để đoàn rước hành tiến sang sông được giao cho dân Phú Nhi đảm nhiệm. Vốn xưa, Phú Nhi là dân chài lưới trên sông từng được Thánh phù trợ che chở, nên coi công việc khó khăn nguy hiểm này như một dịp để tạ ơn Thánh Chúa.
Dân trong xã Trung Hưng cùng các làng Phù Sa, Thanh Vị, Di Bình phải chọn cử đủ ba trăm trai tráng xung vào đội hàng đô, chấp kích…
Ngoài ra mỗi làng còn phải có riêng đội rước của mình với đủ mọi nghi thức cờ quạt trống chiêng. Dân các làng nô nức chuẩn bị tham gia lễ hội, rậm rịch hàng tuần.
Đến ngày 13 mọi việc sắp đặt coi như đã hoàn tất. Sau khi làm Lễ phong triều chính thức khai hội vào chiều ngày 14, tất cả cờ quạt nhất loạt được trưng bày. Đền Và quanh năm vốn u tịch dưới tán rừng lim cổ thụ một khắc bỗng trở nên rực rỡ, náo nhiệt.
Ba cỗ kiệu lớn được gióng lên, đúng lúc đoàn rước kiệu lễ từ các làng theo nhiều ngả dồn vào một hướng cùng tiến vào tập trung trước cửa đền. Khách thập phương, từ lúc nào cũng đã đổ về đông đúc như nêm.
Đêm xuống, cả đồi lim lung linh đèn đuốc, ngào ngạt trầm hương. Tất cả cùng thức thâu đêm chờ theo đám rước.
Đúng 3 giờ sáng ngày 15, sau tuần tế phụng nghinh, các long ngai bài vị cùng lồng mũ, giá văn được dâng an vị trên ba cỗ kiệu lớn.
Ba hồi trống chiêng được tấu lên dõng dạc, dư âm vọng đến bốn phương trời đất, rung mây Non Tản, động sóng sông Hồng, để báo cuộc rước Thánh khởi hành.
Đi đầu là đoàn cờ quạt, bát bửu, trống chiêng…Thứ hai là đoàn kiệu lễ của các làng. Thứ ba là kiệu văn do hàng đô Vân Gia sở tại đảm nhiệm. Thứ tư là kiệu lồng mũ do hàng đô của làng Phù Sa đảm nhiệm. Thứ năm là kiệu Thánh, bày đủ ba cỗ long ngai bài vị của Tam Vị Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần. Đây là cỗ kiệu lớn gồm 16 người khiêng, tuyển từ hàng đô của các làng Vân Gia, Phù Sa, Thanh Vị. Cuối cùng là đoàn hành lễ và khách thập phương.
Cả đoàn hành tiến trong tiếng tù và trống chiêng đàn sáo, khi mau khi chậm, dằng dặc như không bao giờ dứt… Đoàn rước đến địa phương nào, dân nơi ấy cũng đã bày sẵn hương án để nghênh đón. Cứ thế, đoàn rước qua Cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây theo đường Ngô Quyền, Phùng Hưng, Phó Đức Chính đến trước cửa UBND thị xã, theo phố Lê Lợi, phố Hồng Hà lên đê, qua cổng cảng Phù Sa rồi thận trọng xuống bè mảng sang sông.
Dịp lễ hội năm 1999, chỉ tính đoàn rước được phát vé kiểm soát để xuống bè đã lên đến 3.000 người, chưa kể biết bao du khách thuê thuyền riêng và hàng vạn người đứng ngóng ở đôi bờ.
Đoàn rước hạ kiệu trên đê để làm lễ độ hà, cầu mong thủy thần bảo trợ cho đoàn sang sông an toàn.
Ra đến giữa dòng, cũng thật kỳ lạ, bè mảng chở kiệu Thánh cứ lượn tròn trên mặt nước chưa chịu cặp bờ. Cùng khi đó, cỗ kiệu lớn, rất nặng ấy cứ bay lên rồi lại hạ xuống vai các hàng đô liên tiếp mà chẳng xảy ra sự cố gì. Đợi tới khi nào nhìn lên, thấy ngọn cờ trên kiệu Thánh phất bay, chỉ hướng vào bờ, chính là lúc Ngài đã cho phép, và dù không cần bơi đẩy, mảng vẫn rẽ nước hành tiến.
Tại đền Ngự Dội, sau khi các kiệu an vị, Ban tổ chức cử hành ba tuần tế mộc dục, diễn lại tích Thánh tắm dội xưa. Nước để hành lễ do dân sở tại lấy ở giữa dòng sông Hồng rước về từ sáng sớm.
Mọi người dự hội dâng lễ, vui chơi, gặp gỡ ở đây đến xế chiều. Khi nhìn lên, thấy lá cờ hội lớn treo trước đền phất bay, ấy là lúc Thánh đã ra lệnh hoàn cung. Sau tuần lễ triệu hồi, đoàn rước lại theo trật tự cũ trở về Đền Và. Đêm ấy, Đền Và lại rậm rịch tế lễ tới sáng.
Ngày 16, trên sân trong khuôn viên đền mở ra xới vật. Các đô từ khắp nơi trong xứ Đoài đổ về, trước là vật thờ sau là thi tài tranh giải. Cuộc vui kéo dài cho tới chiều ngày 17 thì kết thúc sau tuần tế giã.
Lễ hội tháng chín
Lễ hội vào ngày 15 tháng chín tục gọi là hội đả ngư (đánh cá) diễn ra trên sông Tích đoạn từ Cầu Vang đến Mả Mang.
Ngoài ý muốn diễn lại tích thánh Tản kéo vó và dạy dân đánh cá xưa, lễ hội còn mang tính khuyến ngư và giữ gìn môi trường sinh thái rất hiệu quả.
Lệ vùng quy định rằng: mùa đánh cá trên sông Tích được diễn ra trong ba tháng, nhất thiết chỉ được bắt đầu từ ngày mở hội. Trước đó, ai lén lút phạm luật ắt bị thánh giáng họa (tiếc thay luật ấy nay đã bị mai một, cá trên sông Tích bị diệt quanh năm và bằng mọi phương tiện kể cả dùng kích điện).
Ngày ấy, dân hai bờ Tích Giang đổ ra kín cả khúc sông. Dưới nước thì nhộn nhịp bơi lội úp xúc. Trên bờ thì thôi thúc trống chiêng.
Dù dược ít, nhiều, ai cũng có lộc lấy may. Nhưng may nhất phải là ai được dâng một con cá trong số 99 con dùng để sửa lễ dâng lên Đền Và cúng Thánh.
Con số 99 là con số thiêng theo quan niệm dân gian (từng có 99 núi voi quay đầu về đền Hùng, 99 núi voi quay đầu về Chùa Hương…). Con số 99 ở Hội đả ngư còn nhắc chuyện phóng sinh con cá trê mang bụng trứng của thánh Tản xưa. Nghĩa cử ấy rất trùng với việc bảo vệ nguồn giống thủy sản hiện nay.
Để đủ số cá thờ lại không nhận trùng, từ xưa đã có lệ chẻ sẵn 99 sợi lạt giang rồi nhuộm đỏ. Mỗi lần nhận cá của ai, Ban tổ chức buộc một chiếc lạt đỏ lên gọng vó của người ấy.
Số cá thờ được chế biến thành nhiều món theo truyền thống ẩm thực của nhiều địa phương như: cá luộc, cá nướng, cá nham. Đặc biệt không thể thiếu được món gỏi cá với hương vị rất đặc trưng của thịt nạc cá khéo kết hợp với các gia vị: hoa chuối, lá sung, vừng, chanh…
Các món cá được bày thành 10 mâm (còn gọi là tựa). Một tựa cúng táo quân, vốn có công giữ lửa để nấu nướng, chín tựa bày cúng Tam Vị Đức Thánh Tản – ân nhân tối thượng của dân trong vùng.
Khi hạ lễ, tất cả mọi người có mặt đều được thụ lộc. Từ đấy, mùa đánh cá mới trong năm bắt đầu tràn đầy hy vọng.
Với chu trình ba năm mở hội đám một lần, hằng năm mở hội lệ, Đền Và đã trở thành một di tích văn hóa trọn vẹn, quý hiếm không những cả Hà Nội, mà còn là báu vật chung của vùng văn hóa tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh rộng lớn.
Lễ hội Đền Và lưu truyền nhiều mỹ tục đến nay vẫn cần giữ gìn, phát huy. Đó là tinh thần tôn vinh quá khứ anh hùng trong công cuộc trường kỳ tạo dựng và bảo vệ bản làng xứ sở thông qua tục thờ Tản Viên Sơn Thánh – linh khí của đất Việt cả xưa và nay. Đó là tinh thần tôn vinh nghề nông (kể cả nghề đánh cá, chăn tằm) vốn là phương thức canh tác chủ yếu để duy trì sự sống của cư dân đồng bằng sông Hồng từ thuở hồng hoang khai mở. Đó là tinh thần cộng đồng, cố kết giữa các địa bàn dân cư theo những luật tục tự nguyện hàm chứa tính huyền diệu (đôi khi bí ẩn) rất hiệu quả, giúp cho họ trường tồn và phát triển giữa muôn vàn trắc trở của thế sự thiên nhiên.
Thông qua lễ hội Đền Và, một lần nữa lại chứng tỏ tư duy nghệ thuật xuất phát từ tâm hồn nghệ sĩ của người nông dân trong vùng thật đáng kính trọng. Tản Viên từ một vị thần núi siêu hình bỗng trở thành một con người cụ thể đến mức gọi được tên, chỉ được các hành vi sinh hoạt nhỏ nhặt (như tắm dội, xin muối…) mà không hề tầm thường hóa.
Hình ảnh và uy đức của Thánh một mặt vẫn cao vời “không núi nào sánh tày”, một mặt vẫn gần gũi dân dã với “cơm nắm, muối vừng” là vậy.