Kiến trúc - Quy hoạch

Kiến trúc độc đáo cầu Nguyễn Hoàng “Hạc chầu Thiên Mụ” lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son triều Nguyễn

Hà Oai 15:07 02/04/2025

Sau khi thông xe kỹ thuật vào ngày 26/3, giới chuyên môn về kỹ thuật xây dựng đã có đánh giá, phân tích và chia sẻ về thiết kế kiến trúc cầu Nguyễn Hoàng “Hạc chầu Thiên Mụ”.

Cầu vòm Nguyễn Hoàng mang biểu tượng “Hạc chầu Thiên Mụ”

Sau khi cầu Nguyễn Hoàng nằm trong Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) thông xe kỹ thuật vào ngày 26/3, giới chuyên môn về kỹ thuật xây dựng đã có những đánh giá, phân tích và chia sẻ về thiết kế kiến trúc cầu Nguyễn Hoàng.

z6462373917766_310178f094f950ecc78cd6a5476a59c7.jpg
Cầu Nguyễn Hoàng thông xe kỹ thuật vào ngày 26/3.

Theo đó, Kỹ sư người Phần Lan Antti Karjalainen - Giám đốc dự án thiết kế cầu Nguyễn Hoàng (TP Huế) là đồng tác giả của nhiều cây cầu có kiến trúc đẹp ở Việt Nam như cầu Bính, cầu Rào 2 (Hải Phòng), cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) và cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2, TP HCM), cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp)… chia sẻ cho biết, qua tìm hiểu về lịch sử xứ Huế chúng tôi được biết, tương truyền rằng khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đã đi dọc theo sông Hương để tìm kiếm một địa điểm xây dựng di sản (Thủ phủ - PV) của mình và chúa Nguyễn Hoàng đã phát hiện ra một ngọn đồi có hình dáng như một con rồng ngoái đầu nhìn lại mà hiện nay là chùa Thiên Mụ.

Trong khi đó, truyền thuyết địa phương kể về một con hạc, đó là loài chim thần thoại biểu tượng cho sự trường tồn và trí tuệ thường xuất hiện trong các đền chùa ở Việt Nam kết nối thế giới tự nhiên và tâm linh. Những câu chuyện kể trên đã truyền cảm hứng cho thiết kế “Hạc chầu Thiên Mụ” với các vòm tượng trưng cho đôi cánh hạc và thân mình uyển chuyển bay qua sông, hướng về chùa Thiên Mụ. Màu vàng ấm áp (hoàng gia – màu của các vị vua – được chọn để trang trí) tượng trưng cho quyền lực và tôn vinh lịch sử hoàng gia của Huế, ngay cả các trụ hình chữ “V” cũng tượng trưng cho đàn sếu, đôi cánh dang rộng và tụ hội hài hòa.

Một cây cầu vòm treo “chim bay” một nhịp hài hòa với lịch sử phong phú của Huế, đó là một sự kết hợp hoàn hảo giống như một điệu nhảy vượt thời gian giữa cũ và mới. Thiết kế kể về một câu chuyện, kết nối quá khứ với tương lai thông qua những đường cong uyển chuyển và những vòm vàng hoàng gia rực rỡ, phản chiếu di sản cung đình của Thành phố Huế - ông Antti Karjalainen cho biết.

z6462373950040_bdec5dd223dd168c05f21392ea3f2229.jpg
Hình ảnh cầu Nguyễn Hoàng vào ban đêm.

Theo TS. Đặng Thanh Phú - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học -Kỹ thuật TP Huế thông tin, kỹ thuật xây dựng cầu trên thế giới hiện nay phổ biến các loại hình kết cấu như cầu dầm, cầu vòm, cầu dây văng, cầu treo… Đây là những hình thức kết cấu cầu đã được chứng minh hiệu quả qua thời gian và trở thành giải pháp tiêu chuẩn, không phải do ai “phát minh độc quyền” mà là thành quả của hàng trăm năm nghiên cứu, ứng dụng và tối ưu hóa trong ngành kỹ thuật xây dựng.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học -Kỹ thuật TP Huế thông tin thêm, trong lĩnh vực xây dựng cầu đường được thiết kế không đơn thuần là sáng tạo hình thức mà là sự tổng hợp giữa các yếu tố kỹ thuật, kết cấu, thẩm mỹ và điều kiện địa phương. Việc nhiều cây cầu trên thế giới hoặc trong cùng một quốc gia có hình dáng tương đồng không thể được xem là hành vi “sao chép” hay “đánh cắp ý tưởng”. Vì vậy, khi lựa chọn loại hình cầu (như cầu vòm Nguyễn Hoàng) phải tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật tiêu chuẩn và sự sáng tạo được ghi nhận ở chi tiết thích ứng với các điều kiện cụ thể là chiều dài nhịp, tải trọng, điều kiện địa chất và yếu tố kinh tế, đặc thù văn hoá của mỗi địa phương.

Cầu Nguyễn Hoàng lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son của triều Nguyễn

Cũng theo ông Antti Karjalainen, thiết kế ban đầu của cầu Nguyễn Hoàng được lựa chọn thông qua một cuộc thi thiết kế kiến trúc cạnh tranh và được chọn là kiểu cầu vòm treo với thiết kế cho phép tạo ra một hình dáng vòm thấp, thanh mảnh, hài hòa với vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan xung quanh. Về mặt kỹ thuật, cầu được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu giao thông hiện đại trong khi vẫn giữ được tính toàn vẹn về thẩm mỹ và các giải pháp kỹ thuật sáng tạo đã được tích hợp vào cầu Nguyễn Hoàng trên sông Hương để đảm bảo tính toàn vẹn kết cấu và tuổi thọ lâu dài.

z6449638707880_253c5bffdf0d2f76e68fc34033fb9605.jpg
Màu vàng ấm áp tượng trưng cho quyền lực và tôn vinh lịch sử hoàng gia của Huế.

Ông Antti Karjalainen cho biết, cầu Nguyễn Hoàng lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son của triều Nguyễn, sự thanh lịch của loài hồng hạc và sức mạnh biểu tượng của màu vàng hoàng gia, ý tưởng kiến trúc phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên, truyền thống và hiện đại, sự trang nghiêm và quyền uy của các vị vua Việt Nam. Màu vàng hoàng gia được sử dụng xuyên suốt trong thiết kế tượng trưng cho sự tiếp nối di sản văn hoá.

TS. Đặng Thanh Phú cho biết, mỗi cây cầu tuy có thể sử dụng chung một hình thức kết cấu nhưng vẫn có tính độc lập về mặt thiết kế, các chi tiết như hình dáng trụ tháp, cấu tạo mặt cầu, tổ hợp vật liệu, cách thức liên kết với cảnh quan đô thị chính là nơi thể hiện tư duy thiết kế và khả năng sáng tạo của kỹ sư, kiến trúc sư. Vì vậy, kết luận một cây cầu là “đạo nhái” hay “sao chép” chỉ dựa trên sự tương đồng về hình thức kết cấu là một đánh giá thiếu cơ sở chuyên môn và không phản ánh đúng thực tiễn thiết kế công trình cầu Nguyễn Hoàng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc độc đáo cầu Nguyễn Hoàng “Hạc chầu Thiên Mụ” lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO