Vào đầu đầu năm, nhà trường thông báo đến phụ huynh, trong đó ghi rõ giáo viên sẽ không trả trẻ nếu phát hiện phụ huynh sử dụng bia rượu.
Hằng năm, Sở GD-ĐT TP.HCM đều ban hành những nội dung yêu cầu các trường học thực hiện để đảm bảo an toàn cho học sinh (HS). Từ đó, tùy bậc học, mỗi trường xây dựng những phương án cụ thể phù hợp với điều kiện của từng cơ sở.
Ở bậc mầm non, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay mục tiêu chính của bậc học này là an toàn của HS. Do vậy có thể nói rằng, đối với trẻ mầm non, việc an toàn phải đảm bảo đến từng cen ti mét, từ cổng vào đến lớp học, hành lang, từ cánh cửa cho đến mọi ngóc ngách, kẽ hở, từng đồ dùng, vật dụng.
Chẳng hạn, ở Trường mầm non Họa Mi 3, bà Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngay đầu năm học, nhà trường xây dựng quy chế và ký kết phương án với công an khu vực để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trước cổng trường vào giờ đưa và đón HS. Bên cạnh những thiết bị hỗ trợ như camera đặt ở các khu vực thì lực lượng bảo vệ của trường tham gia giám sát vào giờ chơi và đưa đón HS. Khi phát hiện thấy dù một cái ốc vít lỏng cũng phải sửa chữa kịp thời.
Ngoài việc bố trí sắp đặt các đồ dùng vật dụng, thiết bị ở các vị trí an toàn thì giáo viên còn hướng dẫn HS cách phát hiện những vật dụng không an toàn như ghế ngồi lung lay hay cạnh bàn bị xước… biết báo với cô giáo để thêm các hình thức phòng tránh rủi ro.
Vào đầu đầu năm, nhà trường thông báo đến phụ huynh, trong đó ghi rõ giáo viên sẽ không trả trẻ nếu phát hiện phụ huynh sử dụng bia rượu.
Còn ở Trường mầm non Vàng Anh (Q.5), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay để an toàn cho trẻ thì cần phải cẩn thận từng chi tiết. Để lường trước được những tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì quản lý cũng như giáo viên phải quán xuyến mọi lúc mọi nơi, khi học trò học, chơi, ăn để kịp thời thay đổi, sửa chữa. Chẳng hạn lan can sử dụng chất liệu và chiều cao phù hợp, tủ đồ dùng HS phải cố định, thường xuyên kiểm tra, dễ dàng quan sát khi trẻ sử dụng…