Họp báo Chính phủ tháng 3/2019, ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 Chính phủ diễn ra cùng ngày
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ ông Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo Chính phủ tháng 3/2019, cho biết: Trước những vấn đề về giáo dục nổi cộm trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường, Thủ tưởng Chính phủ nhấn mạnh: Bạo lực trong học sinh không chỉ diễn ra ở Hưng Yên mà còn ở không ít các địa phương khác, đây có phải vấn đề báo động hay không? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn.
Mặc dù tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối, những vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm. Đây là vấn đề mà Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các thành viên Chính phủ, các bộ và các địa phương. Đồng thời phải giải quyết vấn đề phân cấp thế nào, trách nhiệm chủ quản ra sao, trách nhiệm địa phương, trách nhiệm trường học, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong quản lý học sinh như thế nào?
Trả lời thông tin báo chí về thực trạng xử lý vấn đề bạo lực học đường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Chính phủ đã có Nghị định 80/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, ban hành Thông tư 31 thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, đã xây dựng tổ tư vấn học đường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trả lời báo chí
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là đối với nhà giáo và học sinh. Về phân cấp, trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương phải xử lý nghiêm khắc; trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, UBND các địa phương. Quan điểm của bộ là tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh kết hợp xử lý nghiêm khắc những vi phạm.