Liên hoan phim khoa học năm 2020 vừa được khởi động tại Trường Trung học cơ sở Thực nghiệm Hà Nội. Là năm thứ 10 tổ chức tại Việt Nam, liên hoan tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Bộ thí nghiệm khán giả trải nghiệm khoa học tại liên hoan phim. Ảnh: HT
Liên hoan phim khoa học là sự kiện quốc tế thường niên do Viện Goethe tổ chức thường niên từ năm 2004 tại nhiều nước trên thế giới. Liên hoan luôn thu hút sự tham gia của hàng triệu khán giả quốc tế này đã được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2010.
Với chủ đề “Mục tiêu phát triển bền vững”, liên hoan năm nay đem đến 16 bộ phim khoa học được tuyển chọn từ hơn 163 bộ phim do ban giám khảo lựa chọn để trình chiếu tại Việt Nam. Đây chính là một cơ hội để khán giả từ 5 tuổi trở lên có thể khám phá những khả năng của con người và thiên nhiên qua các thước phim như: “Siêu ắc quy”, “Merengue Joe - Tại sao lại là màu xanh da trời?”, “Tôi và robot của tôi”, “Trái đất tới tương lai - Chúng ta sẽ sống như nào trong tương lai?”, “Chín - một phần hai”, “Người đưa tin: Corona, cảm cúm và cảm lạnh - Cuộc hành trình dài của virus”, “Cấu tạo vệ tinh”, “Sinh ra để trở nên hoang dại: Hành tinh đói”, “Gấu trúc trở về tự nhiên”, “Borneo - Địa đàng cổ đại của trái đất”, “Âm thanh của tự nhiên: Sự bí ẩn của chú cá vô hình”, “Cứu lấy biển Chết”…
Khởi động từ tháng 10, liên hoan sẽ kéo dài đến tháng 12/2020. Với sự hợp tác của đối tác lâu năm THD (Công ty TNHH Giải pháp Giáo dục THD) và sự hỗ trợ từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), liên hoan sẽ đến với một số trường học ở các tỉnh và thành phố lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, liên hoan còn tổ chức các buổi vui - học - thí nghiệm (25/8 và 8/11/2020) tại Viện Goether Hà Nội cũng như hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh để đưa một số “Bánh xe tri thức” của thư viện đến một số trường tại các tỉnh nơi các em học sinh chưa có điều kiện làm quen với những hoạt động văn hóa quốc tế.
Theo Ban tổ chức, tại các buổi chiếu phim, các em học sinh, phụ huynh, giáo viên không chỉ được thưởng thức những thước phim khoa học mà còn được trải nghiệm các hoạt động STEM. Khi đó, các chuyên gia đầu ngành sẽ phát triển những hoạt động học tập đi kèm với mỗi phim, đảm bảo các kiến thức khoa học sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên và chủ động. Trên nền tảng STEM kỹ thuật số Đông Nam Á (SEADSTEM) các giáo viên và chuyên gia về STEM có thể tiếp cận các nguồn tư liệu giảng dạy đạt chuẩn chất lượng quốc tế.
“Để hướng đến tầm nhìn chung của thế giới về một trái đất hưng thịnh, xanh sạch, đẹp năm 2030, chúng ta cần chuẩn bị cho thế hệ trẻ một sự nhận thức nền tảng. Liên hoan phim khoa học 2020 chính là một cơ hội để khám phá được những khả năng của con người và thiên nhiên. Với đội ngũ tổ chức và tình nguyện viên trải khắp các tỉnh thành Việt Nam, liên hoan phim hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đón nhận từ các em học sinh, hiệu trưởng, giáo viên, tổ chức” - ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam nhấn mạnh.