Cậu bé Lê Minh Triết (nhà ở tổ 8, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) năm nay chuẩn bị vào lớp 2. Dù cân nặng chỉ chưa đầy 20kg, ăn còn phải bón, nhưng hai tuần nay, mỗi tuần 2 buổi, cậu đã phải dậy sớm để đến lớp học tiếng Việt và toán. Hằng ngày, mẹ cậu đi làm, nghe đồng nghiệp thúc giục, kể về sự lanh lẹ của con khi học lớp này, lớp kia, sợ con mình không theo kịp bạn bè, lại lo con nghỉ lâu quên chữ, nên hối hả tìm lớp gửi con. Cũng không quá khó khăn, mẹ cậu đã tìm được lớp do một cô giáo dạy ở trường tiểu học mà cậu bé đang theo học, tổ chức ngay tại nhà.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấm các trường tổ chức các lớp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức văn hóa trong hai tháng 6 và 7. |
Trường hợp tương tự là một học sinh năm nay lên lớp 9 của một trường THCS khu vực nội thành. Trong buổi học tổng kết năm học, ngoài việc thông báo lịch nghỉ hè, cậu còn được cô giáo chủ nhiệm thông báo "thêm" lịch học ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Theo đó, mỗi môn học 2 buổi/tuần. Buổi học khi vắng khi đủ. Có phụ huynh dè dặt xin cho con nghỉ để tập trung học ngoại ngữ, hoặc muốn cho con có thêm thời gian nghỉ ngơi, nhưng khi thấy các bạn khác được học chương trình lớp 9, nên đành động viên con đến lớp.
Đây chỉ là hai ví dụ về câu chuyện liên quan đến việc học trong kỳ nghỉ hè của học sinh hiện nay. Để học sinh không bị bớt xén thời gian nghỉ hè, gần mười năm trở lại đây, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Trong đó, đáng chú ý, tại Thông tư số 17/2012/TT-BGD ĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012, nội dung nêu rõ cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cho đến nay đã 5 năm trôi qua, "lệnh cấm" chỉ nằm trên giấy khi dường như năm nào dạy thêm, học thêm, nhất là dạy thêm, học thêm trong dịp hè vẫn diễn ra.
“Không phụ huynh nào muốn con mình “chạy sô” cả trong kỳ nghỉ hè, nếu như việc học ở lớp - trong giờ chính khóa đã bảo đảm. Đồng thời, ít thầy cô giáo nào muốn vừa cật lực dạy ở trường, vừa dạy thêm ngoài giờ, nếu như chương trình giáo dục bớt đi những yêu cầu quá sức và không cần thiết với học sinh, và mức lương của họ không quá thấp so với mặt bằng xã hội”. Ý kiến của bà Nguyễn Thu Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) có lẽ phần nào lý giải cho thực trạng trên.
Khó kiểm soát
Theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2017, các trường học của Hà Nội chỉ được tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh từ sau ngày 1-8 trên cơ sở tự nguyện, không được dạy trước chương trình. Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của đơn vị mình theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, ngành Giáo dục Hà Nội còn nhấn mạnh 12 nguyên tắc mà các nhà trường phải bắt buộc tuân thủ, trong đó có việc không tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khóa, giáo viên không được dạy thêm cho chính học sinh của mình…
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận chỉ có 1 trong số 8 trường THCS được phép tổ chức dạy thêm, học thêm vì chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhưng thời điểm này không có đơn vị nào tổ chức dạy. Còn ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân khẳng định, sau ngày 1-8 các nhà trường trên địa bàn mới tổ chức ôn tập văn hóa, còn hiện nay, 11 trường THCS đều nghiêm túc thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, việc dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường vẫn rất khó kiểm soát. Những địa chỉ ở ngõ 26 Hàng Bài, ngõ Hạ Hồi… dường như hiếm ngày vắng bóng các cô cậu học trò, kể cả trong dịp hè. “Mô hình” được nhân rộng hiện nay là giáo viên tham gia dạy thêm ở những trung tâm đã được cấp phép, chứ không đứng ra tự tổ chức. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, “giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại những cơ sở đã được cấp phép hợp lệ”. Với cách làm đó, các giáo viên dễ dàng "lách luật" để không vi phạm về nguyên tắc dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, quy định giáo viên không được dạy thêm với học sinh mà mình dạy chính khóa được coi là biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhưng thực tế, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính học sinh của mình, bởi thầy - trò là người hiểu nhau hơn ai hết. Khi thầy và trò “thu xếp” ổn thỏa, người ngoài rất khó biết được. Do vậy, các hiệu trưởng cũng không thể kiểm soát hết các giáo viên của mình có dạy thêm hay không. Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khi được hỏi về điều này đã thừa nhận, đây thực sự là một bài toán khó mà các cơ quan quản lý chưa tìm ra lời giải. Lỗi này không chỉ do giáo viên và còn cả là sự "tiếp sức" của phụ huynh học sinh.