Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu giữ nguyên cấp 10-12 khi đổ bộ thì bão số 16 đã mạnh hơn cơn bão lịch sử vào Nam Bộ - Linda năm 1997; vì vậy dù cơ quan khí tượng cảnh báo mức độ rủi ro cấp 4 nhưng phải chuẩn bị, ý thức như rủi ro cấp độ 5 - cấp thảm họa- Bộ trưởng Cường nói.
Các ngày 21 và 22/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có 02 Thông báo và Công điện chỉ đạo các địa phương triển khai chủ động ứng phó với bão.
Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.
Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải đã có công điện gửi các đơn vị triển khai công tác phòng chống bão số 16.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai (TWPCTT) đã chuyển các tài liệu, phim hướng dẫn về kỹ thuật ứng phó với bão (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, phim về bão Linda 97,… ) tới Văn phòng Ban chỉ huy các tỉnh để thông tin sâu rộng đến cộng đồng. Tăng cường công tác trực ban 24/24, bám sát diễn biến của bão và công tác triển khai của các Bộ, ngành và địa phương báo cáo Ban chỉ đạo cũng như thông tin đến các địa phương. Tham mưu tổ chức 02 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng - Trưởng ban chỉ đạo TWPCTT chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó tại các tỉnh có nguy cơ cao bão đổ bộ trực tiếp.
Theo tin từ các địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai thực hiện các công điện, thông báo của Ban Chỉ đạo; đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm đếm, đảm bảo an toàn tàu thuyền, sẵn sàng phương án di dân ở những khu vực có nguy cơ cao, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven biển, kết quả:
Đến 6h00 ngày 24/12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh (hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa 131 tàu/1.117 lao động: Quảng Ngãi: 22 tàu/371 lao động; Bình Định: 3 tàu/20 lao động; Phú Yên: 100 tàu/667 lao động; Khánh Hòa: 5 tàu/45 lao động; Bình Thuận: 1 tàu/14 lao động); tổ chức hướng dẫn cho các phương tiệnneo đậu trú tránh.
Đến 16h00 ngày 23/12, tất cả các tỉnh, thành phố ven biển khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của Bão số 16 (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) đã ban hành lệnh cấm biển.
Về công tác kiểm tra chằng chống nhà cửa, cây ăn trái: Cà Mau đã tổ chức chằng chống được 8.114/16.263 nhà. Các địa phương khác đang triển khai chưa có số liệu thống kê.
Công tác sơ tán dân: Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sơ tán 165.074 người; Sóc Trăng sơ tán tổng số 18.331 người (trường hợp bão có cường độ gió trên cấp 9), sơ tán tổng số 139.036 người (trường hợp bão có cường độ gió trên cấp 9);
Bến Tre sơ tán theo phương án, thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 15 giờ 00 phút ngày 25 tháng 12 năm 2017.
Thành phố Hồ Chí Minh, sơ tán 07 xã huyện Cần Giờ với 4.926 người. Cà Mau sơ tán 46.240 người. Tiền Giang: trường hợp bão cấp 9 thì sơ tán 36.580 người; trên cấp 9 thì sơ tán 117.489 người.
Việc cho học sinh nghỉ học tránh bão: Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12 đến 26/12/2017; tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo sở GD&ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.
Phương án bảo vệ sản xuất: Các địa phương đang triển khai thu hoạch diện tích lúa đã chín; tổ chức thu hoạch diện tích thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng thiệt hại. Chằng chống cây ăn quả, chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng bơm tiêu nước đệm, bơm chống úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu cây ăn trái.