Khẩn trương khắc phục sự cố bùn đất phun trào tại dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội
Chính quyền địa phương cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đang khẩn trương khắc phục sự cố phun trào bùn tại khu vực trước số nhà 25F phố Cát Linh (Đống Đa, TP. Hà Nội).
Chiều 27/5, người dân phường Cát Linh, quận Đống Đa phát hiện nhiều bùn đất trào lên từ trước cổng nhà số 25F phố Cát Linh. Đây là lần thứ 2 hiện tượng bùn đất trào lên khi thi công đoạn ngầm, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Thông tin về sự việc, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, ngay khi phát hiện hiện tượng trên, nhà thầu thi công đã lập tức kích hoạt quy trình khẩn cấp của Dự án, dưới sự giám sát của Chủ đầu tư là MRB, Tư vấn giám sát (PIC), chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, cho dừng việc khoan của máy TBM số 1 để giảm lượng bùn phụt lên nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định gương đào.
Nhà thầu đã thực hiện các biện pháp khắc phục, huy động tối đa nhân lực, các xe hút bùn, thu gom và xử lý bùn tại hiện trường, kiểm tra lại điều kiện địa chất tại khu vực xảy ra hiện tượng nhằm sớm ổn định tình hình.
Hiện tại, MRB đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đánh giá chính xác nguyên nhân, triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự việc tương tự trong giai đoạn tiếp theo.
MRB đã và đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định hiện hành; đồng thời tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thi công và phối hợp với các cơ quan có liên quan để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.

Trước đó, ngày 20/2, người dân trong ngõ 7, phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cũng phát hiện nhiều bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước. Sự cố này khiến nhiều hộ dân trong ngõ 7, phố Giang Văn Minh bị ảnh hưởng, gây bất tiện đi lại và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết nguyên nhân có thể do phụ gia khoan hầm thoát ra qua các giếng nước, cống cũ hoặc lỗ khoan khảo sát địa chất tồn tại dưới lòng đất nhưng không được phát hiện trước. MRB lý giải, nhiều công trình ngầm không còn sử dụng và không có trong hồ sơ do thay đổi chủ sở hữu theo thời gian./.