Khám phá Tết Đoan Ngọ xưa và nay

KTĐT| 08/06/2021 08:47

Sau rất nhiều năm nghiên cứu, lối sống, sinh hoạt ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ở cung đình Thăng Long dần lộ diện. Để tăng cường các sản phẩm du lịch đến với du khách, vào dịp đón Tết Đoan Ngọ năm nay, từ ngày 10/6, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ giới thiệu đến du khách một số nghi lễ như lễ dâng hương tổ tiên, lễ ban quạt trong cung đình… với chủ đề “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương”.

Vua Lê đón Tết Đoan Ngọ như thế nào?

Đoan Ngọ là một trong những ngày Tết truyền thống của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ngày Tết Đoan Ngọ, dân gian thường gọi là Tết giết sâu bọ, đây được xem là Tết kỳ lạ nhất của người Việt. Tết này, trong cung đình, dưới thời Lê, Vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan.
Theo GS sử học Lê Văn Lan: Trong mỗi dịp lễ Tết của một năm, triều đình thường thực hiện nghi lễ tưởng nhớ đến các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành. Sử sách có ghi việc tổ chức tế lễ ở Thái Miếu, điện Chí Kính vào ngày Tết Đoan Dương (Tết Đoan Ngọ) cũng giống như ngày Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Trung nguyên, Trùng cửu. Trước Tết một ngày, vua ngự ở điện, các quan đưa bản kê các đồ lễ dâng cúng các vị tiên đế và tổ tiên của vua vào ngày Đoan Ngọ để nhà vua trực tiếp định duyệt. Sau đó, theo quy định, Bộ Lễ cấp tiền, gạo, muối...; Bộ Hộ lĩnh tiền, vật phẩm rồi giao cho Thái quan, Thần trù chịu trách nhiệm nấu cỗ, Lương Uẩn nấu rượu, Thần cung trông coi việc cúng tế.
Vật phẩm dâng tế gồm một con trâu sống, một con bò chín, 10 hộp đồ ăn chín, 10 thúng xôi, 10 sọt dưa, một vò rượu ngon. Ngày chính lễ, quan Khâm mạng là một vị quan Bộ Lễ được vua giao thay mặt Vua cử hành nghi thức, văn võ bá quan mặc triều phục kính cẩn làm lễ tại Thái Miếu và điện Chí Kính.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ngoài việc thực hiện nghi lễ thường triều và ban yến, nhà vua còn tiến hành lễ ban quạt cho các quan. Giải thích lý do có nghi lễ ban quạt, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Trong thời điểm tiết Đoan Ngọ, tiết trời bắt đầu nóng nực, oi bức, nhiều dịch bệnh xuất hiện đe dọa đến sức khỏe, chiếc quạt làm mát là vật dụng cần thiết nhất trong lúc này. Vì vậy ân điển ban quạt của nhà vua còn có ý nghĩa rất sâu sắc đó là ban: Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.
Nghi lễ này vẫn được chứng tỏ qua chính sử, đặc biệt là việc Vua Lê Hiển Tông ban thơ ngự chế đề trên quạt. Hơn nữa, hiện nay làng làm quạt phục vụ lễ ban quạt vẫn còn, là làng Đào Xá thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
Phỏng dựng phong tục
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, các nghi lễ dịp Tết Đoan Ngọ ở cung đình thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc, rất cần nghiên cứu phỏng dựng giới thiệu đến thế hệ hôm nay. Chính vì vậy, để tăng cường các sản phẩm du lịch đến với du khách, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày online “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” với các nội dung như: Lễ ban quạt trong cung đình với ý nghĩa ban phúc lành của vua cho các bề tôi và chiếc quạt có kích thước 2,4m mang đậm tính cung đình đề bài thơ có ý nghĩa sâu sắc của vua Lê Hiển Tông; giới thiệu về làng Đào Xá xưa; phỏng dựng một số quạt liên quan đến đời sống cung đình, quý tộc.
Ngoài ra, các phong tục đặc sắc của Nhân dân ta ngày Tết Đoan Ngọ cũng được giới thiệu như: Hái lá thuốc nam, gội đầu bằng nước lá thơm, treo hình lá ngải; tục đeo bùa ngũ sắc cũng được tái dựng trong sự kiện này. Trung tâm cũng tái hiện những chiếc bùa ngũ sắc dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và khám phá không gian đầy màu sắc của một cửa hàng thuộc phố Hàng Mụn xưa (Hàng Bút ngày nay).
Vì tình hình dịch Covid-19, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chỉ thực hiện trưng bày theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ truy cập: hoangthanhthanglong.vn;trungbayonline. hoangthanhthanglong.vn. Đây cũng là cách làm mang lại hiệu quả cao về công tác giới thiệu, trưng bày được trung tâm áp dụng trong thời gian vừa qua.q
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Khám phá Tết Đoan Ngọ xưa và nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO