Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về 12 dự án luật. Trong đó có 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua và 8 dự án trình cho ý kiến lần đầu.
Theo đó, các dự thảo luật được cho ý kiến gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, là: Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về: Việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám; các báo cáo công tác tư pháp, hoạt động kiểm toán nhà nước và các công việc khác thuộc thẩm quyền...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Cũng trong chương trình, phiên họp sẽ xem xét, quyết định việc: Thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai...
Dự kiến, phiên họp thứ 37 kéo dài từ ngày 9-9 đến ngày 20-9.
Cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương
Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007.
Đến nay, một số quy định tại 2 luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Góp ý cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa vấn đề “sương mù” và “gió mạnh trên biển” vào luật cần cân nhắc bởi liệu đây có phải là thiên tai không? Cũng như cần quy định rõ là gió mạnh đến cấp mấy mới được coi là thiên tai. Cùng đó, cần xem xét, nghiên cứu thêm về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo sự chính xác và có cơ chế chịu trách nhiệm nếu như thông tin dự báo sai.
Một nội dung nữa được nhiều đại biểu quan tâm là dự thảo luật bổ sung Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định. Quỹ Phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc thành lập quỹ sẽ bảo đảm nguyên tắc không làm tăng biên chế.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương tôi thấy cũng cần thiết, vì trong thực tế có những tổ chức họ đưa tiền tới để ủng hộ nhưng chúng ta không có quỹ để tiếp nhận”.
Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tế và cơ chế điều hòa sử dụng hợp lý. Những nơi có nguồn thu mà không có thiên tai xảy ra thì phải điều hòa về quỹ trung ương như thế nào để thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, dự thảo luật bổ sung quy định về chính sách nhà nước ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai, trong đó kể cả việc huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã, đây là quy định mới thì cần xác định trọng tâm của đào tạo, huấn luyện, trang bị vật tư tập trung vào đối tượng nào cho hợp lý, tránh nói chung chung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật nên rõ ràng, chặt chẽ và tất cả những gì liên quan đến tiền, đầu tư thì phải chú ý là đã có những luật quy định rồi nên cách dùng từ ngữ, quy định cần phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến thẩm tra, góp ý, giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ thẩm tra chính thức, bảo đảm đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.