Sự kiện & Bình luận

Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

Mạnh Hà 09:17 21/10/2023

Mới đây ngày 20/10/2023, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị do đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh, đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.

kdk2.jpg
Quang cảnh Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã tập trung: Điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; Điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; Chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như BĐS, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, DNNVV, hợp tác xã,...); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,….

2.jpg
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN báo cáo về tình hình triển khai các chính sách, giải pháp tín dụng của ngành ngân hàng.

Về điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế: Ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến cuối tháng 9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92%.

Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế: NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng gần 2,0%/năm so với cuối năm 2022). Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới.

NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt:

Đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS): NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo ĐBSCL, thuỷ sản, cà phê): NHNN đã có nhiều văn bản, tổ chức các Hội nghị, buổi làm việc, chỉ đạo các TCTD, tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, cà phê, thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh (như: duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp); Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống. Lũy kế đến 30/9/2023, đã có 148.285 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 140.699 tỷ đồng (chưa bao gồm quỹ Tín dụng).

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất. Đến cuối tháng 8/2023, doanh số HTLS đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền HTLS lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, trao đổi, nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng ở nhiều cấp độ. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên toàn quốc: Đến cuối quý II/2023, đã có khoảng 320 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; thông qua Chương trình, các TCTD đã thực hiện kết nối, hỗ trợ cho trên 145.000 doanh nghiệp với dư nợ được hỗ trợ là 1,4 triệu tỷ đồng thông qua các biện pháp như cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí,..).

Tại Tây Nguyên, với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực Tây Nguyên về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, những năm qua, toàn ngành Ngân hàng luôn cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến 30/9/2023, huy động vốn của các TCTD tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng (như tín dụng một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn; dư nợ các lĩnh vực trọng điểm của vùng tăng tốt;...); Các TCTD trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với khoản cho vay mới và cũ trên địa bàn ở mức 7,3% - 9,1%; Kết quả tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên được cải thiện: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 297.501 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc; Dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá (với dư nợ là 76.255 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, tăng 7.06% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 82% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc; Dư nợ cho vay cao su đạt 7.168 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, chiếm 15,7% dư nợ cho vay cao su toàn quốc…); dư nợ cho vay ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng 11,57%.

Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng. Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các TCTD phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để kinh doanh.

Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể:

Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng với các đặc trưng thế mạnh của vùng. Chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây...), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, trọng tâm là Chương trình HTLS 2% qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...). Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

dkd123.jpg
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO