Hướng các phong trào thi đua đi vào thực chất
Những năm qua, huyện Đông Anh luôn quan tâm duy trì và phát triển các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" trên địa bàn huyện. Đáng chú ý, huyện Đông Anh ưu tiên hướng các phong trào đi vào thực chất, có chiều sâu, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng người Đông Anh - Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phong trào thực chất
Theo đó, để triển khai Cuộc thi Xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” của Thành phố, UBND huyện Đông Anh đã triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, Nghị quyết số 250- NQ/HU ngày 14/2/2022 về quyết tâm phấn đấu, hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đông Anh; Nghị quyết số 274-NQ/HU ngày 1/6/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo...
Phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện tích cực triển khai thực hiện các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng, giữ gìn môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức cuộc thi đoạn đường, tuyến phố tự quản kiểu mẫu. Hội Nông dân triển khai kế hoạch thực hiện và nâng cao chất lượng 3 nhóm mô hình, 10 phần việc gắn với xây dựng “cánh đồng sạch”, “tuyến đường nông dân kiểu mẫu” năm 2024…
Về kết quả thực hiện các tiêu chí của Cuộc thi, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, đối với nội dung "sáng", ngay từ đầu năm 2024, huyện đã chỉ đạo xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng, tỷ lệ đường đô thị, đường khu nhà ở, ngõ, xóm trên địa bàn huyện được chiếu sáng đạt 100%. Đặc biệt, huyện tiếp tục thực hiện lắp đặt đèn trang trí trên các trục đường chính và các tuyến đường phố, xóm, ngõ, ngách, trong khu dân cư, đa dạng, hình thức phù hợp, đảm bảo mỹ quan, an toàn.
Đối với nội dung "sạch", không chỉ trong thời gian triển khai thực hiện Cuộc thi, mà trước đó, Đoàn liên ngành của huyện đã đều đặn tổ chức kiểm tra đánh giá tại từng thôn vào sáng thứ 7 hàng tuần. Nhờ đó, phong trào tổng vệ sinh tại trụ sở các cơ quan, đơn vị vào chiều thứ 6 và tổng vệ sinh tại các khu dân cư, tổ dân phố vào sáng thứ 7 hàng tuần gắn với hoạt động bóc xóa quảng cáo rao vặt đã được duy trì thường xuyên, thu hút đông đảo cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.
Còn về nội dung "xanh", huyện Đông Anh xây dựng đề án trồng cây xanh tại tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. 100% Hội cơ sở đăng ký duy trì và nâng cao chất lượng 48 đoạn đường hoa/đoạn đường bích họa kiểu mẫu. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Tổ chức tập huấn 10 lớp cho 856 người về phân loại rác thải tại nguồn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhân rộng mô hình “Đổi rác lấy cây xanh”,“Thu gom vỏ chai thuốc BVTV làm sạch đồng ruộng”. Tổ chức Ngày hội xanh “Phát động phong trào hành động vì Đông Anh sạch - xanh”. Ra quân thực hiện công trình phần việc “Ươm mầm xanh trên quê hương Đông Anh”: Phủ xanh 1.250 gốc cây tại các điểm sinh hoạt cộng đồng. Duy trì mô hình “Ngôi nhà xanh” nhằm gây quỹ tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Mô hình Thôn thông minh
Đồng chí Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đánh giá cao cách triển khai bài bản, có chiều sâu, thực chất và hướng tới cơ sở trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua nói chung và Cuộc thi nói riêng của huyện Đông Anh.
Trong khuôn khổ buổi kiểm tra đánh giá chấm chung khảo Cuộc thi, Đoàn liên quan đã khảo sát thực tế tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh.
Được biết, huyện Đông Anh đánh giá cao và lựa chọn thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà là một trong 03 đơn vị đăng ký dự thi cấp Thành phố.
Trước đó, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 vào cuối năm 2022, Ban chỉ đạo xã Liên Hà đã quyết định xây dựng ít nhất mô hình Thôn thông minh và đã chọn thôn Hà Lỗ để triển khai xây dựng điểm mô hình này.
Thôn Hà Lỗ sẽ là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn; sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch, đẹp.
Để đảm bảo kết nối Internet được thông suốt, thôn đã chủ động rà soát, huy động nguồn vốn xã hội hóa lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại nhà văn hóa thôn, khu vực công cộng như: Đình làng, Đền Chùa Giỗ… tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin. Triển khai lắp đặt 8 mắt camera an ninh giám sát tại các vị trí quan trọng trên các trục ngõ xóm, cổng Làng, nhà văn hóa, điểm công cộng; liên kết hệ thống camera giám sát của các hộ gia đình và camera an ninh thôn vào trung tâm điều hành được đặt tại nhà văn hóa thôn.
Bí thư chi bộ thôn Hà Lỗ cho biết, thực hiện mô hình Thôn thông minh, thôn đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà văn hóa, nơi công cộng các trục đường giao thông trong thôn. Lắp đặt wife miễn phí tại nhà văn hóa và các điểm công cộng phục vụ nhân dân.
Tại Thôn thông minh Hà Lỗ, tất cả các hộ dân đều được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện trong qua nhóm zalo chung mang tên “Nhóm làng Hà Lỗ”. Thông qua đó, người dân có thể trao đổi các vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội của thôn, những vấn đề dân sinh bức xúc; cán bộ lãnh đạo thôn có thể tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn thôn.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả xây dựng thôn thông minh trên địa bàn xã Liên Hà năm 2023
Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng chí Bùi Minh Hoàng mong muốn huyện Đông Anh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt và bền vững phong trào xây dựng xã, thị trấn sáng , xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh trên địa bàn Thủ đô./.